Hôn nhân Công Giáo được gọi là Bí tích Hôn phối, đây là sự tác hợp vợ chồng giữa một người nam và một người nữ thông qua giáo quyền. Theo quan điểm tôn giáo, sự tác hợp trong hôn nhân Công Giáo này là duy nhất và vĩnh viễn trong suốt cuộc đời mỗi người.
Hôn nhân Công Giáo có gì đặc biệt?
Có hai điều đặc biệt của hôn nhân trong Công Giáo.
Đơn nhất
Đơn nhất nghĩa là một vợ một chồng. “Tự bản chất, tình yêu vợ chồng đòi hỏi sự đơn nhất và bất khả phân ly. Họ không còn phải là hai, nhưng là một xương một thịt” . Họ được mời gọi không ngừng lớn lên trong tình hiệp thông với nhau qua việc mỗi ngày trung thành sống lời cam kết hôn nhân, là trao hiến trọn vẹn cho nhau. Sự hiệp thông này được củng cố, thanh luyện và hoàn thiện nhờ bí tích Hôn phối đem lại sự hiệp thông trong Đức Kitô. Sự hiệp thông này càng thâm sâu hơn nhờ cùng chia sẻ một đức tin và cùng đón nhận Mình Thánh Chúa.
Phải nhìn nhận sự bình đẳng giữa vợ chồng trong tình tương thân tương ái trọn vẹn, để nhờ đó biểu hiện rõ ràng tính đơn nhất của hôn nhân đã được Đức Kitô xác nhận. Đa thê là đi ngược với tình yêu vợ chồng, cũng như với sự bình đẳng giữa hai vợ chồng.
Bất khả phân ly
Bất khả phân ly nghĩa là không thể ly dị. “Lý do sâu xa nhất đòi hỏi hai vợ chồng phải chung thủy chính là sự trung tín của Thiên Chúa với giao ước, và sự trung tín của Đức Kitô với Hội Thánh. Nhờ bí tích Hôn phối, hai vợ chồng được ban ơn để diễn tả và làm chứng cho sự trung tín ấy. Do bí tích, tính bất khả phân ly của hôn nhân tiếp nhận một ý nghĩa mới và sâu xa hơn.”
Ngoài ra sự liên kết mật thiết giữa hai vợ chồng, cũng như lợi ích của con cái, buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín với nhau.
Chung thuỷ suốt đời với người phối ngẫu là một trong những đặc điểm nổi bật của hôn nhân Công giáo, đồng thời còn có ý nghĩa đặc biệt hơn đối với thế giới hiện nay, khi mà ly dị thường được coi là giải pháp bình thường cho những khó khăn hoặc thất bại trong đời sống hôn nhân. Quả thực, đối với nhiều trường hợp, chung thuỷ là một thách đố lớn lao và phải cậy dựa vào ơn Chúa, vì chỉ nhờ sức riêng của mình mà thôi thì không đủ. Trong đời sống hôn nhân, đôi vợ chồng cần nhớ rằng sự liên kết với nhau không phải chỉ do quyết tâm của họ mà còn là kết quả của ơn Chúa. “Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, thì loài người không được phân ly”. Hội Thánh không ngừng cầu nguyện cho các đôi vợ chồng được trung thành với nhau suốt đời. Ngược lại, chính Hội Thánh cũng được nâng đỡ luôn trung tín với Chúa Giêsu nhờ sự chung thuỷ của các đôi vợ chồng.
Phán quyết công bố Hôn Phối Bất Thành là gì?
Có thể tiến tới một cuộc hôn nhân thứ hai hay không? Nếu một người phối ngẫu là người Công Giáo nhưng không kết hôn theo Thể Thức Giáo Luật, thì một tiến trình xét xử đơn giản sẽ được áp dụng nhằm mục đích đạt được Phán quyết công bố Hôn Phối Bất Thành, bởi vì Thiếu Thể thức Giáo Luật. Nhưng nếu Thể thức Giáo Luật đã được tuân thủ, thì sẽ áp dụng tiến trình dành cho Trường Hợp Chính Thức.
Chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng đâu là Trường Hợp Thiếu Thể Thức Giáo Luật và đâu thuộc Trường Hợp Chính Thức: Sắc Lệnh Công Bố Hôn Phối Bất Thành không phải là “Ly Dị Công Giáo.” Giáo Hội không có bất kỳ quyền hạn nào để chia rẽ những ai đã được hợp nhất bởi tay Thiên Chúa. Sắc Lệnh Công Bố Hôn Phối Bất Thành chỉ nói lên rằng kết ước vĩnh cửu của bí tích hôn phối đã chưa bao giờ hiện hữu ngay từ thuở ban đầu của cuộc hôn nhân. Nếu điều này đã được Giáo Hội xác định, thì cả hai người phối ngẫu sẽ được tự do kết hôn một lần nữa.
Phải hiểu rõ rằng, Sắc Lệnh Công Bố Hôn Phối Bất Thành không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến sự hợp pháp của con cái trong cuộc hôn nhân trước đây, cũng như nó không bao hàm các bổn phận tất yếu và nghĩa vụ dân sự khác như sự chu cấp và nuôi dưỡng con cái. Sắc Lệnh Công Bố Hôn Phối Bất Thành của Giáo Hội không có hàm ý rằng hôn phối này chưa bao giờ tồn tại, nhưng điều này chỉ có ý nghĩa rằng hôn phối ấy đã không có những đặc tính của một bí tích. Giáo Hội không tìm cách gán trách nhiệm cho bất kỳ ai về sự tan vỡ hôn nhân.
Ly hôn và tái ly hôn trong giáo hội công giáo
Việc ly hôn và tái hôn giữa các Kitô hữu là một vấn đề nhạy cảm. Có rất nhiều nhận định sai lầm về giáo huấn của Giáo Hội trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, chỉ có một số ít gia đình vẫn còn bị ảnh hưởng bởi sự đau buồn từ sự đổ vỡ trong hôn nhân, hoặc từ những vấn đề được đề cập trong tiến trình xét xử các trường hợp xin tháo gỡ hôn phối với mục đích xem xét tính hiệu lực hoặc thành sự của một cuộc hôn nhân nào trước đó.
Hôn nhân khác đạo?
Hôn nhân khác đạo là giữa một người Công giáo và một người thuộc một tôn giáo khác như Phật giáo, Hồi giáo… kể cả những người không theo tôn giáo nào. Gọi một cách nôm na của cuộc hôn nhân kiểu này là “đạo ai nấy giữ”.
Thế nào là hôn nhân khác tôn giáo?
Giáo hội Công giáo tôn trọng tình yêu đôi lứa và không đưa ra bất cứ một hình thức kỳ thị nào trong việc tiến đến hôn nhân của đôi nam nữ. Tuy nhiên, họ lý giải về việc nỗ lực hoạt động để bảo vệ phẩm giá của cuộc hôn nhân gia đình theo học thuyết Công giáo nên họ khuyến khích việc kết hôn giữa những người cùng theo đạo Công giáo, nhưng ngày nay phía Giáo hội Công giáo cũng nhượng bộ trước những hôn nhân khác đạo.
Theo định nghĩa của Giáo hội Công giáo, hôn nhân hỗn hợp (hay hôn nhân dị tín) là hôn nhân giữa một người Công giáo và một người đã được nhận phép thanh tẩy nhưng thuộc hệ phái Tin Lành hay Chính thống giáo (cùng là Kitô hữu).
Hệ quả của những cuộc hôn nhân khác tôn giáo
Sau đây là 2 trường hợp có thể xảy ra:
– Hôn nhân hạnh phúc: nếu hai bên biết tôn trọng nhau, “đạo ai người ấy giữ”. Phía không Công giáo thực sự để cho bạn mình được tự do thờ phượng và chăm sóc đức tin cho con cái như đã thoả thuận lúc ban đầu. Phía Công giáo sống thật tốt và giúp phía không Công giáo nhận được ơn Chúa.
– Hôn nhân có nguy cơ tan vỡ: nếu hai bên không chịu nhân nhượng nhau trước những mối bất đồng do sự khác biệt về niềm tin tạo ra. Phía Công giáo có thể trở nên nguội lạnh và đi đến chỗ bỏ đạo.
Giáo luật về hôn nhân khác đạo
Tại Việt Nam, ngày nay vẫn có nhiều vị hữu trách và cha mẹ tỏ thái độ quá dè dặt, khắt khe đối với con cái trong hôn nhân khác tôn giáo: “Bắt buộc trở lại đạo Công giáo mới cho phép làm đám cưới!” Một số khác lại quá dễ dãi: “Đạo ai nấy giữ, chẳng cần chuẩn chiếc gì hết!” Cả hai thái độ trên đều không phù hợp với ý muốn của Hội Thánh Công giáo. Hội Thánh có phép chuẩn cho những hôn nhân khác tôn giáo.
Theo luật hiện nay của Hội Thánh:
– Hôn nhân hỗn hợp chỉ hợp pháp khi có phép rõ ràng của giáo quyền (Giám Mục)
– Hôn nhân khác đạo chỉ thành sự khi có phép chuẩn rõ ràng của giáo quyền Bởi vậy, nếu ở trong trường hợp Hôn nhân hỗn hợp hoặc hôn nhân khác đạo, đôi bạn cần trình bày với cha xứ để được hướng dẫn về thủ tục xin phép chuẩn nơi Đức Giám Mục Giáo phận. Muốn được phép chuẩn:
– Hai đương sự phải hiểu biết, chấp nhận mục đích và đặc tính chính yếu của hôn nhân theo giáo lý Công giáo
– Bên Công giáo cam kết giữ đức tin của mình, bảo đảm cho con cái được rửa tội và giáo dục trong Hội Thánh Công giáo.
– Cũng cần phải cho bên không Công giáo biết rõ những điều ấy.
Tại sao hội thánh bận tâm và tỏ ra dè dặt?
Hội Thánh lấy quyền gì để đòi hỏi hai bên phải thoả thuận như thế? Có thể nói đó là như quyền của bậc cha mẹ trước hạnh phúc của con cái, chẳng khác nào việc trao đổi giữa hai gia đình trước ngày đính hôn, mỗi bên nêu rõ nguyện vọng của mình vì hạnh phúc lâu bền của con cái.
Thế nhưng, tại sao Hội Thánh lại phải bận tâm đến như vậy? Thưa vì những lý do sau:
– Hội Thánh biết rằng, bên cạnh tình yêu, niềm tin tôn giáo là một trong những yếu tố quan trọng đối với đời sống hôn nhân và gia đình, bởi vì tôn giáo không chỉ ảnh hưởng đến lối suy nghĩ, cách hành xử, mà còn ảnh hưởng đến những chọn lựa trước những vấn đề của cuộc sống, nhất là trong việc giáo dục con cái. Do khác biệt quan điểm một cách sâu xa như thế, những cuộc hôn nhân khác tôn giáo thường gặp nhiều trở ngại, khó đạt được hạnh phúc và nếu tan vỡ thì phía người Công giáo sẽ bị thiệt thòi nhiều hơn, vì họ không thể lập gia đình lại, bao lâu người kia còn sống.
Thực vậy, tục ngữ Việt Nam có câu: “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Để gia đình được hạnh phúc, cả hai vợ chồng cần phải nỗ lực và góp sức. Đây không phải là chuyện dễ, vì trong thực tế có khá nhiều khác biệt giữa họ: khác biệt về giới tính, về tính tình, về giáo dục, về gia đình, về lối sống v.v…. Nếu cùng chung một niềm tin tôn giáo, họ sẽ có được một nền tảng vững chắc, giúp vượt qua những khó khăn và thử thách, biết dùng những khác biệt để bổ túc cho nhau và làm cho cuộc sống gia đình thêm phong phú. Lúc ấy, người bạn đời cũng là người bạn đạo, cả hai cùng mang một chí hướng, đó là xây dựng tổ ấm gia đình hạnh phúc trong yêu thương và hiệp nhất.
– Trong hôn nhân hỗn hợp giữa một người Công giáo và một Kitô hữu thuộc hệ phái khác (Tin Lành, Chính Thống…) những khó khăn cũng không nhỏ. Những khó khăn này xuất phát từ sự chia rẽ giữa các Kitô hữu đến nay vẫn chưa giải quyết được. Đôi vợ chồng có thể cảm nghiệm được thảm kịch ấy ngay trong gia đình của mình. Tuy nhiên, những khó khăn này có thể vượt qua, nếu đôi bạn biết cố gắng kết hợp những gì tốt đẹp đã lãnh nhận nơi cộng đoàn mình và cùng nhau học hỏi, chia sẻ để giúp nhau sống trung thành với Đức Kitô.
– Trong hôn nhân khác đạo giữa một người Công giáo và một người không tin vào Đức Kitô, sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Những bất đồng quan điểm về niềm tin và hôn nhân, có thể dẫn đến những căng thẳng trong gia đình, nhất là việc giáo dục con cái. Hội Thánh xác tín rằng: đức tin Kitô giáo mà con cái mình đã nhận được là một quà tặng vô giá Thiên Chúa ban. Hội Thánh không muốn đức tin ấy bị mai một, nhưng luôn có những điều kiện thuận lợi để được tồn tại và phát triển. Vì thế, Hội Thánh luôn đòi hỏi phải thoả thuận với nhau trước khi bước vào hôn nhân có phép chuẩn.