Không nâng cao chất lượng thì trường công hay tư đều… hỏng!

Chỉ vào mái tóc bạc phơ của mình, thầy Huỳnh Thế Cuộc, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM cho biết: “Khi tôi làm thủ tục lên máy bay, nhân viên hải quan hỏi tôi ra Hà Nội để làm gì. Tôi trả lời rằng tôi đi học. Anh nhân viên này trố mắt nhìn, hỏi: Bác mà còn học nữa à?”. Cùng với thầy Cuộc, khoảng hơn 70 hiệu trưởng, hiệu phó của các trường ĐH, CĐ trên khắp cả nước đã tập trung về Hà Nội để tham gia lớp bồi dưỡng dành cho các nhà quản lý giáo dục.

Bài học về…cắt giảm ngân sách GD

Đúng 2h chiều ngày 5/11, giờ học về Kinh tế – Tài chính Giáo dục ĐH của GS Nakagami Kenichi, Ủy viên Ban Quản trị, ĐH Ritsumeikan (Nhật Bản) bắt đầu nhưng mới có 25 học viên tới lớp, dù sĩ số là 35.

Nhưng trong suốt giờ học, hầu như chẳng khi nào lớp đủ 25 người vì các hiệu trưởng, hiệu phó liên tục đi ra ngoài nghe điện thoại, có lẽ là “điều khiển từ xa” các công việc ở trường.

Mở đầu bài giảng, GS Kenichi đưa ra một khái niệm khiến toàn bộ học viên trong lớp xôn xao. Những năm gần đây, ở Nhật Bản không còn trường ĐH quốc lập mà tất cả chuyển sang loại hình “doanh nghiệp ĐH quốc lập”, hoạt động theo cơ chế tài chính của công ty.

Mỗi năm, các trường ĐH quốc lập sẽ bị cắt giảm khoảng 1% tài chính hỗ trợ của Nhà nước. Vì thế, 5 năm trở lại đây, các nhà quản lý giáo dục của Nhật Bản đã phải thay đổi suy nghĩ rằng các trường quốc lập có thể tồn tại và phát triển mãi mãi. Trong bối cảnh cạnh tranh và kinh doanh ĐH đang rơi vào khó khăn như hiện nay, nếu không tìm cách nâng cao chất lượng giáo dục thì bất kể trường công hay tư đều có thể bị “xóa sổ”.

Tuy nhiên, tình hình đặc biệt nghiêm trọng với khối ĐH dân lập do chi phí học tập và sinh hoạt cho 1 SV năm thứ nhất của các trường này lên tới 3 triệu Yên (khoảng 30.000 USD), cao gần gấp đôi so với SV trường quốc lập hoặc công lập. Vì thế, có tới 40% trường ĐH dân lập ở Nhật Bản không tuyển đủ chỉ tiêu và 3 trường đã phải đóng cửa.

Để phát triển hệ thống giáo dục công bằng, Chính phủ Nhật Bản đang tiến hành biện pháp cắt giảm ngân sách cố định cho các trường, đồng thời, tăng hỗ trợ đặc biệt thông qua các dự án và nghiên cứu khoa học. Nghĩa là trường nào có nhiều dự án khả thi, có tiềm lực nghiên cứu mạnh thì càng nhận được nhiều hỗ trợ, không phân biệt công-tư.

Trong giai đoạn 2000-2007, vốn dành cho các chương trình cạnh tranh này đã tăng từ 300 tỉ lên tới 480 tỉ Yên.

Bản thân các trường phải năng động hơn trong việc tìm kiếm ngân sách cạnh tranh. Đặc biệt, thu nhập từ các dự án này chiếm tới 1/3 tổng thu nhập của giảng viên ĐH ở Nhật Bản.

Trường Ritsumeikan, xếp hạng 10 trong khoảng 1000 trường ĐH ở Nhật Bản, hiện cũng đang tìm rất nhiều cách xoay xở để đảm bảo nguồn thu. Trường bỏ 100% vốn đầu tư để thành lập 3 công ty. Đồng thời, trường phát hành 5 tỷ Yên trái phiếu và kêu gọi các tổ chức kinh tế tài trợ cho các dự án.

Hay ở tây nhưng không áp dụng được ở ta

Một học viên trong lớp đang đặt câu hỏi với GS. Paul Teng về quốc tế hóa giáo dục ĐH. Ảnh: Lan Hương

TS. Bùi Duy Cam, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) cho rằng: vẫn còn nhiều băn khoăn của học viên mà các giáo sư nước ngoài chưa thể tháo gỡ. Có những lúc, vấn đề được đặt ra nhưng cả “thầy” và “trò” đều chỉ biết… cười xòa!

Với câu hỏi làm thế nào để quyên góp tài chính cho trường, GS Kenichi chia sẻ kinh nghiệm của ĐH Ritsumeikan là tận dụng nguồn đóng góp từ các cựu SV và lập các kế hoạch dài hạn, các dự án nghiên cứu trình doanh nghiệp để kêu gọi tài trợ.

TS. Nguyễn Mạnh Dung, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Hà Nội, cho rằng những kinh nghiệm này đều rất thú vị, nhưng để áp dụng vào điều kiện Việt Nam thì cần một quá trình. Dù hiện nay Chính phủ đã có chủ trương để các trường tự chủ tài chính nhưng vẫn cần một hành lang rộng hơn để áp dụng.

Đơn cử như theo GS Kenichi, một điểm quan trọng trong quản trị tài chính ở trường ĐH là phải công khai tài chính. Toàn bộ bảng thu – chi rất chi tiết của ĐH Ritsumeikan đều được đưa công khai trên website. Dựa vào bảng đó, nhà trường sẽ tính toán mức học phí cho năm tiếp theo dựa trên mức cũ, tỉ lệ cải thiện chất lượng dạy học và mức độ trượt giá.

Như vậy học phí các trường sẽ “tăng hàng năm và tăng mãi mãi” nhưng ở Việt Nam thì hiện nay các trường chưa thể tự quyết như vậy.

Còn trong bài giảng về Hợp tác và hội nhập quốc tế về giáo dục ĐH của GS. Paul Teng, Chủ nhiệm Khoa Sau ĐH và Nghiên cứu, Học viện Giáo dục Singapore, học viên nêu khác biệt lớn nhất giữa hai nước là trình độ tiếng Anh của giảng viên Việt Nam còn rất hạn chế. Mỗi trường để chọn ra vài người giỏi tiếng Anh là rất khó nên quá trình quốc tế hóa sẽ gặp khó khăn hơn nhiều.

GS người Singapore cũng không thể đưa ra một giải pháp hiệu quả mà chỉ khuyên các hiệu trưởng rằng: “Muốn đi được 1000 dặm đường thì phải bước từng bước một.”

Hiệu trưởng một trường CĐ tham gia lớp học chia sẻ: “Do có sự khác biệt về văn hóa, điều kiện kinh tế-xã hội nên trong một số tình huống, GS nước ngoài không thể hình dung được chính xác vấn đề của các trường ở Việt Nam”.

Chẳng hạn trong các khâu kiểm định chất lượng, do những mối quan hệ thân tình mà kết quả đánh giá chéo giữa các trường có thể bị ảnh hưởng, sai lệch. Nhưng GS nước ngoài không tưởng tượng được vì trong đầu họ không hề có khái niệm về “mối quan hệ thân tình” trong những việc như thế này.

Vì thế, vị hiệu trưởng này cho rằng, nếu chương trình lựa chọn những giảng viên am hiểu về Việt Nam hơn thì sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều.

Nguồn: VNN- Kinh tế nông thôn(kinhtenongthon.vn)

Bài viết liên quan

Thêm bình luận