Học phí tăng, người nghèo rơi nước mắt

Quê em ở Quảng Nam đất cằn cỗi nhưng cũng không có nhiều để canh tác, mùa làm ruộng cũng không đủ ăn, mẹ làm công nhật (vác gạch thuê) ngày 12 đến 15 nghìn chỉ đủ đi chợ ngày ba bữa, khi nghỉ hè em cũng đi làm với mẹ.

Nếu không có sự giúp đỡ của cô thầy chủ nhiệm chắc em đã nghỉ học lâu rồi. Thầy cô đã động viên và nộp học phí cho em, ngày em đậu đại học em đã khóc rất nhiều, mẹ cũng khóc theo em, nhưng em đã gặp rất nhiều may mắn. Ngày đó một anh gần nhà đã xuống gặp em và động viên em đi học, “thiếu bao nhiêu anh lo cho, khi nào ra trường hãy trả”. Bây giờ hoàn cảnh của em đã khá hơn nhiều, em đã vào đại học có thể làm thêm để tự trang trải cho mình, nhưng em không thể nào quên những năm đi học phổ thông, hai mẹ con đã ôm nhau khóc không biết bao nhiêu lần. Mẹ em không biết chữ nên cố cho em đi học để con mình không thua người khác, nhưng mẹ cũng rất đau đớn khi nghĩ con mình sắp phải nghỉ học.

Hoàn cảnh của em không phải là duy nhất, nhưng đâu có nhiều bạn may mắn như em. Ở các thành phố hay ở thôn quê đâu đâu cũng có nhiều hoàn cảnh khó khăn, liệu các thầy các chú làm lãnh đạo đã cân nhắc kỹ chưa khi đưa ra quyết định tăng học phí? Em không thể biết chắc được rằng sẽ có bao nhiêu bạn sẽ phải nghỉ học khi quyết định này được thi hành. Và như thế thì việc học hành chỉ dành cho những bạn con nhà khá giả, giáo dục có còn được ưu tiên cho người nghèo nữa không? Còn những gia đình quyết tâm cho con ăn học phải bán ruộng bán vườn, thế chấp nhà cửa, không biết bao giờ con họ mới ra trường (chuyện này em đã đọc được nhiều lần trên báo).

Người nghèo không có tri thức sẽ không có khả năng vươn lên một cuộc sống khá giả hơn, sự phân hóa giàu nghèo chắc sẽ nhiều hơn. Nước ta đang tiến hành phổ cập giáo dục phổ thông cơ sở và tiến tới phổ cập trung học, nhưng liệu có được không khi mức học phí tăng cao, đẩy nhiều bạn phải nghỉ học sớm, trẻ em sẽ lao động sớm… Có rất nhiều vấn đề kéo theo khi học phí tăng, em rất mong các thầy các chú có trách nhiệm hãy đặt mình vào trường hợp các bậc cha mẹ có hoàn cảnh khó khăn xem họ sẽ làm gì và phản ứng ra sao khi nghe tin tăng học phí ?

Hồ Công Duyên
(Đại học Bách khoa Đà Nẵng)

  • Tôi hoàn toàn đồng tình với bài viết trên. Tôi tự hỏi, có bao giờ những nhà hoạch định “lộ trình ngược” này sống thử một ngày trong cuộc sống của “dân đen”. Hằng năm tỷ lệ thôi học ở bậc trung học cơ sở rồi trung học phổ thông vẫn cứ gia tăng chỉ vì những lý do cơ bản nhất – thiếu tiền: tiền đóng góp xây dựng trường đầu năm, tiền học phí, tiền đồng phục, tiền sách vở, tiền quỹ lớp… Việt Nam đã vào được WTO thật, GDP của nước nhà ngày càng tăng thật, nhưng vẫn là một nước nghèo. Đất nước mình trên 80 triệu dân, chỉ một bộ phận làm nhân viên ăn lương nhà nước, một bộ phận có nghề được đào tạo thì ăn lương công ty, tài giỏi chút thì làm thương nhân, tài giỏi ít hơn thì buôn bán nhỏ lẻ. Còn lại là bình dân. Bình dân đông nhất là làm “nông nghiệp và phát triển nông thôn”, bình dân nhỏ lẻ là làm chủ một gánh xôi, gánh chè, xe cháo…

Những con người sống trong “tầng thấp” của xã hội (tầng có thu nhập thấp) thì nhiều hơn hẳn những người sống ở “tầng cao”. Trên báo chí vẫn nhan nhản những cuộc đời bất hạnh cần được sẻ chia, nhan nhản những gia đình hết mất mùa lại bão lũ… Tôi tự hỏi, bao nhiêu nỗi nhọc nhằn vất vả đó khi nghe đến chữ “thuế” thì đã ngậm ngùi muốn rơi nước mắt, nhưng họ vẫn nghĩ đến trách nhiệm của mình với đất nước nên cũng đồng tình. Nhưng nay, phải tăng thêm tiền “mua con chữ” để cho con cái họ có một tương lai sáng sủa hơn đang khiến họ lâm vào bế tắc. Tôi vẫn còn nhớ lời dạy của Bác Hồ rằng phải làm cho ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc, ai cũng được học hành. Thế nhưng, hiện nay, hình ảnh của Bác vẫn còn đó, tấm gương đạo đức cách mạng của Bác vẫn đang được mọi người nêu cao mà sao con đường đến với cái chữ, cái cổng tri thức lại xa dần với người dân nghèo như thế !

Nguyễn Thị Cát Anh
(Quận 10, TP.HCM)

  • Cám ơn bác Thanh Thảo! Đọc xong bài của bác em vừa mừng nhưng cũng vừa lo. Mừng là vì bác có những suy nghĩ cấp tiến và biết lo cho dân đến như vậy! Còn lo, hay nói đúng hơn là buồn vì bác Thanh Thảo nhà ta không được đứng trong hàng ngũ của những vị hoạch định ra cái gọi là đề án tăng học phí!

nguyen12…@yahoo.com

  • Tôi rất tâm đắc với bài báo này. Tôi thiết nghĩ khi các ngành muốn áp dụng lộ trình này lộ trình nọ thì thường hay đưa ví dụ của các nước để học hỏi. Thế tại sao chúng ta không học hỏi Cuba, nước họ cũng là một nước XHCN lại nghèo nữa. Các nước trên thế giới đang dần tiến tới miễn phí cho y tế và giáo dục, tại sao nước mình cứ đi ngược lại với xu hướng của thế giới? Lâu lâu lại nghe tăng viện phí, tăng học phí. Nếu chúng ta tiến dần tới tăng học phí cho cả nước thì thêm nhiều trẻ em nghèo sẽ bị thất học, lúc đó Nhà nước lại bỏ ra rất nhiều tiền như hiện nay để xóa mù chữ. Tôi cũng là một công nhân viên, nhưng nếu so sánh mức lương tăng như thế để tăng học phí thì chúng tôi lãnh lương ra chỉ để đóng học phí cho con thôi à, còn các khoản khác thì nhịn hết hay sao? Tôi nghĩ Báo Thanh Niên nên đưa ra diễn đàn để toàn dân đóng góp y kiến, làm gì mà không hợåp với lòng dân thì khó thành công.

Hoàng Điệp
(Q.Gò Vấp, TP.HCM)

  • Nếu tăng học phí với mức dự kiến như hiện nay tôi sẽ không có khả năng cho hai đứa con đi học mà phải cho nghỉ học một đứa ở nhà bởi vì nhà tôi thu nhập 3 triệu đồng/tháng cho hai vợ chồng và hai đứa con. Nếu vẫn không đủ phải cho đứa kia ở nhà luôn vì không đủ trang trải các khoản điện, nước, xăng xe, gas, sữa (vì chúng còn nhỏ), quần áo, gạo, muối… chưa kể đến nếu bệnh tật không biết tính sao ?

Vương Kim Dung (TP.HCM)

  • Vợ chồng chúng tôi với mức thu nhập 4 triệu đồng/tháng ở thành phố, trong tình hình giá cả tăng vọt như hiện nay, còn cảm thấy “sốc” khi được thông báo học phí của cô con gái đang học mẫu giáo sẽ tăng trong năm học mới từ 200 ngàn lên 600 ngàn, chưa kể tiền ăn và các khoản đóng góp khác. Những người lao động với mức thu nhập ít hơn thì không biết ra sao? thanhthuy…@gmail.com
  • Cứ thu học phí kiểu này, chắc chắn những cặp bố mẹ chỉ làm công ăn lương (nhà nước hoặc doanh nghiệp) chỉ có nước để con thất học hết, hoặc là không dám đẻ! Cứ tính chi phí sinh hoạt đắt đỏ như hiện nay, một cặp vợ chồng với tổng thu nhập 5 triệu/tháng đã thấy khó khăn khi chi tiêu, nếu có hai đứa con đều đang tuổi đi học thì quả là đau đầu! Thế những người công nhân chỉ có mức lương 1 triệu hoặc hơn một chút, cả hai vợ chồng chưa được 3 triệu thì làm thế nào? Hình như những người đề ra chủ trương tăng học phí này không có con đi học, hoặc là họ không phải tự mình đóng học phí cho con (!) thì mới không nghĩ đến quảng đại người dân

Nguồn: Kinh tế nông thôn(kinhtenongthon.vn)

Bài viết liên quan

Thêm bình luận