Tại hội nghị tập huấn công tác Khảo thí và Quản lý Chất lượng Giáo dục Phổ thông vừa diễn ra, Bộ GD-ĐT đã cung cấp cho các sở GD-ĐT văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục năm học 2008-2009, dự thảo về tiêu chuẩn và quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng trường tiểu học, THCS, THPT.
Khác với giáo dục ĐH, kiểm định chất lượng bậc phổ thông sẽ được phân cấp cho các sở GD-ĐT địa phương.
Bộ yêu cầu sắp tới, mỗi sở triển khai đánh giá khoảng 2,5% số trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn có điều kiện KT-XH khác nhau theo các tiêu chuẩn do Bộ ban hành nhằm xác định thực trạng chung của các cơ sở giáo dục, đề ra các giải pháp cải tiến và từng bước nâng cao chất lượng của trường.
Đồng thời, các sở cần xây dựng văn hóa chất lượng trong từng đơn vị, chuẩn bị triển khai chủ đề năm học 2009-2010 là “Năm học đánh giá chất lượng giáo dục”.
Bộ cũng yêu cầu các sở cử cán bộ đi học thạc sĩ đo lường và đánh giá giáo dục hoặc chuyên ngành tương đương ở trong và ngoài nước, đảm bảo đến 2010 có đủ cán bộ để triển khai công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các sở thì cho tới nay, Bộ vẫn chưa ban hành quy định, quy trình và hướng dẫn triển khai kiểm định chất lượng các cấp khiến một số sở phải tham khảo quy trình của bậc ĐH.
Sau khi thí điểm kiểm định chất lượng THPT theo bộ tiêu chí của Bộ GD-ĐT, ông Phạm Văn Hùng, Phó GĐ Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế cho biết có nhiều tiêu chí chưa tường minh dẫn đến khó khăn triển khai.
Một số tiêu chí chưa hợp lý như chỉ số ổn định và tăng dần theo hàng năm của tỉ lệ chi phí cho các hoạt động giảng dạy trên chi phí cho quản lý. Theo ông Hùng thì chỉ số này không phản ánh được chất lượng giáo dục được nâng cao đối với những đơn vị ở địa phương có nguồn ngân sách hạn hẹp.
“Hay tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT tăng dần không phản ánh được sự nỗ lực của trường THPT. Có những trường tỉ lệ tốt nghiệp 95%, 94%, 95% trong 3 năm nhưng không đạt chỉ số này. Đề nghị nên quy định hơn mức tốt nghiệp bình quân toàn quốc hằng năm là được” – ông Hùng kiến nghị.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng phòng KT&KĐCLGD, Sở GD-ĐT Hải Phòng cho biết năm vừa rồi tỉnh đã triển khai tự đánh giá, tự nhìn lại hiện trạng trường tiểu học trước khi đăng ký kiểm định.
Theo bà Hà thì đây là dịp không những riêng ngành giáo dục mà cả UBND tỉnh, huyện nhìn thấy thực trạng hoạt động, cơ sở vật chất của các trường. Tuy nhiên bà Hà băn khoăn liệu đánh giá đúng hiện trạng thì có cách nào tác động đến UNBD để tăng cường giúp đỡ các trường thiếu thốn không?
Còn bà Lâm Thị Sang, Trưởng phòng KT & QLCLGD, Sở GD-ĐT Bạc Liêu chia sẻ: “Đồng bằng sông Cửu Long có trình độ phát triển giáo dục chậm hơn nên nếu áp dụng những tiêu chuẩn kiểm định chung thì rất khó khăn. Ví dụ tiêu chí số HS bỏ học không quá 1% ở thành phố là có thể đạt được nhưng ở các vùng khó khăn thì rất khó”.
Vì thế, bà Sang đề xuất Bộ nên chia nhóm khu vực để có tiêu chí riêng.
Trưởng Phòng KT&KĐCLGD, Sở GD-ĐT Đồng Nai Nguyễn Văn Hải cho rằng quy định trường qua kiểm định đạt trên 80% tiêu chí là được xếp loại 3 là hợp lý. Tuy nhiên, cần phải có một số tiêu chí khống chế, vi phạm các tiêu chí này, trường vẫn không được công nhận chất lượng.
Theo ông Hải thì đó là các tiêu chí quan trọng nhưng hoạt động chuyên môn của tổ chuyên môn, công tác lãnh đạo của hiệu trưởng, hoạt động quản lý tài chính, bồi dưỡng HS yếu.
Nguồn: Kinh tế nông thôn(kinhtenongthon.vn)