Người gieo “mầm học” cho bản

Người đầu tiên học hết lớp 12

Quang Sơn nằm lọt thỏm giữa đại ngàn. Muốn vào bản chỉ có cách… cuốc bộ đường rừng. Lâu nay dân bản quen sống trong cảnh đèn dầu vì đường điện chưa thể tới. Bởi thế, ước mơ có ngôi trường khang trang cho học sinh, trạm y tế tươm tất cho người ốm, có đường cho xe máy đi… vẫn còn là một cái gì “xa xỉ” ở vùng quê này.

Không chỉ đói vật chất, dân bản còn “đói” chữ. Số học sinh đến trường chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, có một học sinh trong bản theo học hết PTTH là sự lạ ở đời. “Ở Quang Sơn, hầu hết trẻ em đều thôi học từ rất sớm. Những người học hết bậc tiểu học đã hiếm lắm rồi” – Dồng cho biết.

Nhà nghèo lại đông anh em nên thời gian đi học của cậu cũng bị chi phối. Buổi sáng dậy từ 4 giờ để kịp đến trường; buổi chiều lên nương làm cùng bố mẹ; đêm ôn lại bài cũ nhưng nhà chỉ có 1 chiếc đèn, lại thiếu dầu thắp nên đành phải… đi ngủ sớm. Thậm chí có những mùa vụ, Dồng phải ngậm ngùi nghỉ học cả tuần theo cha thu hoạch ngô. Nhưng thật lạ, Dồng vẫn nắm kiến thức rất chắc và luôn dẫn đầu lớp.

Cũng có thời gian, thấy hoàn cảnh gia đình nghèo khó, cùng với việc đám bạn đồng trang lứa thi nhau bỏ học, Dồng nản chí. “Nhà em nghèo lắm, nhiều dạo sắn còn không có mà ăn nói gì đến việc cắp sách tới trường. Lúc đó em chỉ muốn bỏ học để cùng bạn bè lên nương”. Nhưng chỉ vì “mê” con chữ và có sự động viên của những cô giáo miền xuôi mà Dồng đã vượt qua gian khổ, tiếp tục cắp sách tới trường.

Học hết bậc trung học cơ sở, Dồng là học sinh duy nhất của xã được tuyển vào trường nội trú của tỉnh. Đến năm lớp 11, sau khi anh trai xây dựng gia đình, cha mẹ cậu ép nghỉ học để lấy vợ. “Lúc đó bạn bè em ai nấy đều đã có vợ, thậm chí có con. Cha mẹ nghĩ em học chữ cũng không ăn được nên ép lấy vợ để yên bề gia thất” – Dồng nói. Phải đến khi một cô giáo đến tận nhà khuyên bảo thì cha mẹ cậu mới tiếp tục cho cậu đi học.

Sau bao nhiêu khó nhọc, cuối cùng Dồng cũng tốt nghiệp PTTH với tấm bằng loại Khá. Ngày trở về, cả bản đều ngỡ ngàng. Nhưng Dồng nói với dân bản: “Đó chưa phải là đích cuối cùng của con. Con muốn thực hiện giấc mơ khác là thi đỗ đại học”.

Con đường vào đại học

Khi nghe con trai nói muốn thi đại học, cả cha lẫn mẹ Dồng đều một mực ngăn cấm. “Mày đi thi chỉ tốn tiền chứ làm sao đỗ được. Mà nếu đỗ ai cho tiền để mày đi học. Tốt nhất là ở nhà lấy vợ cho bằng bạn bằng bè” – Dồng bùi ngùi kể lại lời cha nói. Lúc đó tâm trạng Dồng cũng rối bời. “Câu hỏi: Ai sẽ nuôi mình khi đỗ đại học cứ ám ảnh em mãi” – Dồng nói. ước mơ trở thành sinh viên tưởng chừng vụt tắt nhưng trong một lần gặp lại cô giáo chủ nhiệm cũ, nghe cô giải thích về những chính sách của Nhà nước hỗ trợ sinh viên miền núi, cậu mới an tâm ôn luyện.

Dồng nói, có lẽ những ngày ở nhà tự ôn thi là thời gian cực khổ nhất. Ban ngày dậy từ 5 giờ lên nương, đêm về mới có thời gian học bài. “Nhiều khi đi làm về mệt, buổi tối em ngủ gục ngay trên bàn học đến sáng luôn. Có lần còn làm đổ đèn, suýt cháy nhà…”.

Ngày cậu xuống Hà Nội thi, cha mẹ phải bán con lợn sữa. Lần đầu tiên xuống Thủ đô, lại đi một mình nên cậu dễ dàng bị “cò” nhà trọ lừa hết tiền. Không còn cách nào khác, cậu đành đêm ngủ nghế đá để ngày lấy sức thi. Thế rồi, thi xong, cậu lại phải làm thêm để có tiền trở về quê hương.

Hôm nhận giấy nhập học, không chỉ Dồng, gia đình mà cả bản đều vui như hội. Dân bản mừng lắm vì lần đầu tiên có người con đỗ hẳn trường đại học lớn. Người ta xì xào với nhau sẽ cho con mình đi học để sau này cũng có thể như anh Dồng.

Nguồn: Kinh tế nông thôn(kinhtenongthon.vn)

Bài viết liên quan

Thêm bình luận