TS Hồ Thiệu Hùng – nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, thay mặt cho một số thầy cô giáo khác trong nhóm thảo luận của mình, nêu lên một khảo sát của Viện nghiên cứu giáo dục vừa hoàn thành.
Theo đó, cứ 10 em học sinh THPT thì có đến 8 em muốn vào đại học (trong khi chỉ khoảng 3 em vào được đại học), 10 SV mới ra trường thì có đến 7 SV muốn học cao lên nữa.
Nhưng phần lớn các em này không phải vì ham học mà vì chưa muốn bước vào đời. Ông đề nghị: “Chúng ta hãy bỏ tư duy đào tạo để cho ra các tiến sĩ đi mà hãy đào tạo để các em ra đời, thích nghi và biết làm việc…”.
Trong số những rào cản đối với sự sáng tạo trong giáo dục, thầy Hoàng Đức Huy (Trung tâm GDTX Q.4), một giáo viên rất nổi tiếng với những sáng kiến trong giáo dục, thẳng thắn: “Giáo viên đang bị một chiếc “còng số 8” siết chặt là sách hướng dẫn giáo viên. Nhiều điều hướng dẫn trong cuốn sách này rất gượng ép, khiến giáo viên mất hết sự sáng tạo.
Khi giáo viên soạn giáo án, cũng đều phải dựa vào đây, trong khi trong sách hướng dẫn cứ bắt buộc hoạt động 1, hoạt động 2… rồi bước 1, bước 2… Vậy, sáng tạo ở đâu?”.
Cô Dương Thị Trúc Bạch – Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai – nêu ra một số vấn đề cần lưu ý khi đổi mới, sáng tạo: chương trình hiện này mà Bộ GD&ĐT đưa ra yêu cầu cái gì cũng toàn diện.
Bởi thế, thầy cô môn học nào cũng muốn môn học của mình là quan trọng. Khi đổi mới, thầy cô mỗi môn sẽ bắt buộc học sinh làm nhiều việc hơn. Điều này sẽ gây áp lực lên học sinh rất lớn.
Bên cạnh đó, nếu nhìn kỹ, chỉ những khối lớp như lớp 10, 11, giáo viên mới dám đổi mới và sáng tạo. Không giáo viên nào dạy lớp 12 dám phá bỏ “lối mòn” mà phải dạy theo đúng chương trình, nếu không khi thi học sinh sẽ bị điểm thấp vì không làm đúng “barem”.
Việc đánh giá học sinh bằng kỹ năng (học, ứng xử, giao tiếp, làm việc nhóm…) chứ không phải bằng cách đánh giá kiến thức, điểm thi như trên là một trong những điều các đại biểu kiến nghị mạnh mẽ lên Bộ GD&ĐT. Những kiến nghị khác là: thay đổi triết lý giáo dục (học để nghiên cứu, làm việc chứ không phải học để biết tất cả), đổi mới đánh giá thi cử và ra đề thi…
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Đổi mới giáo dục không phải là làm từ trên xuống mà là thúc đẩy từ dưới lên. Ở bậc đại học, việc sinh viên đánh giá giảng viên đang được thực hiện tại Việt Nam.
Còn ở bậc phổ thông, học sinh cũng là đồng tác giả của quá trình giáo dục. Giáo viên phải có công nghệ thiết kế quy trình giáo dục và bổ sung kiến thức cuộc sống để thu hút học sinh. Chương trình sách giáo khoa (bộ mới) mới đánh giá một lần và đang chỉnh sửa dần dần cho phù hợp”.
Trong số những sáng kiến đưa ra tại buổi tọa đàm, việc thành lập những trang web riêng cho từng bộ môn của các thầy, cô được Phó Thủ tướng rất ủng hộ. Trang web này sẽ giúp mỗi thầy cô bộ môn có tư liệu để dạy tốt hơn.
Nguồn: Kinh tế nông thôn(kinhtenongthon.vn)