Lênh đênh cùng con chữ

Lớp học đủ mọi lứa tuổi

Về đến đầu xã Yên Lư, chúng tôi dừng lại hỏi đường về nhà cô. “Chị Nga tình nguyện dạy chữ cho dân vạn chài đúng không?” – một người nhanh nhẹn chỉ đường – “Nhà cô ấy kia kìa, chỗ có nhiều cây xanh, ngay sát bến đò ấy”.

Cô Nga mời tôi vào căn nhà đơn sơ và hơi tối. Căn phòng tập thể được Trạm quản lý đường sông Yên Tập phân cho chỉ rộng chừng 10m2, đồ đạc không có gì quý giá. Chỉ riêng hai chiếc giường đã choán hết 2/3 căn nhà, một cái bị gãy phải dùng dây buộc.

“Có lần, tôi đang bán hàng tạp hoá cho cơ quan thì thấy một đứa trẻ làng chài bán cá nhưng không biết tính toán. Trông nó lóng ngóng đến tội nghiệp. Thấy thế, tôi bảo nếu muốn học tôi sẽ dạy cho. Dần dà, người này rủ người kia, lớp học đông dần, có lúc lên tới hơn chục người”. – chị Nga nhớ lại. Học sinh đủ mọi lứa tuổi: trẻ có, thanh niên có, trung tuổi cũng có, phần lớn đều là những người sống lênh đênh trên sông, phiêu dạt khắp các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang…

Anh Nguyễn Văn Hiếu, người ở làng chài Sặt (Cẩm Giàng – Hải Dương) cho biết: “Tôi theo bạn bè đến học cô Nga được 3 buổi thì nghỉ vì phải sang Trung Quốc buôn cá. Lần ấy đi tôi lỗ nặng vì bị lừa, cũng chỉ tại không biết tính toán thế nào. Gặp cô Nga, tôi kể lại chuyện, cô bảo muốn không bị lừa nữa phải học tiếp, tôi theo học tới khi biết làm toán, đọc viết thành thạo”.

Lớp học được tổ chức theo con nước. Mùa dân chài kiếm ăn, họ bận việc mưu sinh nên lớp học không tổ chức. Đến mùa lũ, học sinh đến nhiều. Anh Trương Văn Tính, một “thuyền trưởng” được cô Nga dạy dỗ cho biết: “Thời gian đầu thường phải học trên thuyền. Giữa dòng nước lũ mênh mông, cô Nga vẫn đều đặn một tuần dạy 3 buổi. Cô rất sợ sóng nhưng tối nào cũng dạy đến 11 giờ mới chịu nghỉ”.

Anh Đinh Quang Hùng vẫn nhớ như in những buổi học chung với nước. Anh kể, khổ nhất là vừa ghi bài, nhẩm tính, vừa giữ cho sách không bị ướt. Thường mọi người ngồi trên những chồng gạch, để sách vở lên đầu gối. Năm ấy đã hơn 20 tuổi nhưng anh Hùng vẫn đi học. Sợ nhất là lúc có người lạ đến. Khi ấy, cả lớp học chạy tán loạn tìm chỗ trốn vì… ngại.

Nghe trộm bài giảng để về dạy

Dụng cụ học tập của học sinh, cô Nga tự đến các gia đình trong xã Yên Lư xin hoặc mượn. Cô cho hay, chán nhất là lúc đang dạy lại có người đến lấy sách về. Lúc ấy, cả cô trò đều cảm thấy tủi thân. Dù không học qua một trường sư phạm nào nhưng cô dạy rất dễ hiểu. Các giáo viên dạy ở Trường Tiểu học Yên Lư thắc mắc: Trong các buổi dạy của họ có một phụ nữ cứ đứng ở ngoài “nghe trộm”. Mãi về sau, họ mới biết rằng đó là cô Nga ở Trạm quản lý đường sông Yên Tập, đến nghe cách thức dạy để về truyền đạt cho học sinh.

Cô tâm sự: “Những bàn tay chai sần bắt cá, tôm thì nhanh nhưng cầm cây bút, quyển vở lại gượng gạo vậy. Để viết được một chữ cái, tôi phải nắm tận tay học sinh mới chỉnh được dòng chữ cho bớt nghuệch ngoạc. Nhìn lớp học lố nhố, có học sinh còn già hơn cả cô giáo mà vẫn khó nhọc đánh vần từng chữ, tôi thương lắm. Nhưng cũng buồn vì nhiều người cho là mình rỗi hơi, ôm rơm nặng bụng”.

Thấm thoắt cô Nga đã dạy được 14 năm. Các thế hệ học trò có người tiếp tục gắn với sông nước, trở thành chủ thuyền, công nhân đóng tàu; có người lên bờ làm giáo viên, kỹ sư. “Ngày 20/11, học sinh đến chúc mừng và biếu cô giáo mấy con cá to để cô trò làm cơm ăn cho ấm cúng. Thế là hạnh phúc lắm rồi” – cô Nga vui mừng nói. Trong ánh mắt lấp lánh của cô, niềm hạnh phúc ấy không ngừng lan toả.

Thấy lớp học của cô Nga hữu ích nhưng điều kiện học tập còn hạn chế, lãnh đạo Trạm quản lý đường sông Yên Tập đã nhường một phòng để làm lớp học. Cô Nga nói: “Có phòng tốt, vào mùa nước lớn, việc dạy học thuận lợi hơn hẳn”.

 

Nguồn: Ninh Tuân – Kinh tế nông thôn(kinhtenongthon.vn)

 

Bài viết liên quan

Thêm bình luận