Sau nhiều năm đàm phán, trái cây Việt đã được nhiều nước nhập khẩu, tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm hiện nay là nạn tranh mua, tranh bán dẫn đến không quản lý được chất lượng nguồn hàng, có thể mất thị trường
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã chỉ đạo các cơ quan liên quan hỗ trợ kỹ thuật canh tác cho nông dân để vượt qua rào cản kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến sau thu hoạch để đẩy mạnh xuất khẩu trái cây.
Điểm sáng
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV – Bộ NN-PTNT), cho biết năm 2015, xuất khẩu rau quả đạt 1,8 tỉ USD, tăng 11% kế hoạch. Năm tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt gần900 triệu USD. Hy vọng năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng so với 2015. “Đây có thể xem là điểm sáng trong bối cảnh hàng loạt nông sản gặp khó khăn trong xuất khẩu” – ông Trung nhìn nhận.
Theo Bộ NN-PTNT, trái cây Việt đã thỏa mãn điều kiện nhập khẩu của nhiều nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số thị trường có quy định khắt khe về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, như: Mỹ, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. “Thời gian qua, Cục BTVT đã tích cực đàm phán để đối tác gỡ bỏ rào cản kỹ thuật hoặc hạ thấp các tiêu chuẩn để trái cây Việt xâm nhập những thị trường khó tính” – ông Hoàng Trung nói.
Nhờ vậy, đã có 4 loại trái cây Việt gồm: thanh long, chôm chôm, nhãn, vải thiều xuất khẩu sang Mỹ. Năm tháng đầu năm 2016, xuất gần 2.000 tấn trái cây sang Mỹ, bằng 200% so với cùng kỳ năm 2015. Cục BVTV đang đàm phán để xuất thêm xoài, vú sữa sang thị trường này.
Có thể bạn cũng quan tâm tới những bài viết
Trái vải của Việt Nam đã thâm nhập thị trường Úc. Ngành nông nghiệp nước này cũng đã cho phép nhập khẩu xoài của Việt Nam. Dự kiến, cuối năm 2016, Úc sẽ hoàn tất thủ tục để cho phép nhập khẩu thanh long của Việt Nam. Hơn 6 năm trước, Việt Nam xuất khẩu sang Đài Loan từ 14.000-16.000 tấn thanh long/năm. Tuy nhiên, sau khi một số lô thanh long bị phát hiện nhiễm ruồi đục quả ổi nên họ đưa vào danh mục cấm nhập khẩu. “Mấy năm qua, Cục BVTV đã đàm phán với cơ quan kiểm dịch thực vật của Đài Loan và đã hoàn tất thủ tục cho phép Việt Nam xuất khẩu thanh long trở lại thị trường này kể từ ngày 1-6” – cục trưởng Cục BVTV cho biết.
Hiện nay, xoài và thanh long đã xuất khẩu sang Nhật. Cục BVTV đang đàm phán để xuất thêm trái vải, chôm chôm, nhãn sang thị trường này. Sau khi thanh long và xoài được Hàn Quốc nhập khẩu, Cục BVTV đang làm thủ tục để xuất thêm vú sữa và vải thiều.
Là nước nông nghiệp, dân số ít, tiêu chuẩn nhập khẩu lại khắt khe nên New Zealand không được kỳ vọng sẽ nhập nhiều trái cây của Việt Nam. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn đang đẩy mạnh đàm phán, hy vọng cuối năm tới, trái cây Việt sẽ xâm nhập thị trường được xem là khó tính bậc nhất thế giới này. “Nếu được New Zealand chấp nhận, trái cây Việt Nam sẽ dễ dàng xuất khẩu sang nhiều thị trường tiềm năng khác” – đại diện Bộ NN-PTNT nhận định.
Muốn lâu dài phải giữ uy tín
Theo Bộ NN-PTNT, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Theo đó, từ nay đến năm2020, sẽ có 95% dòng thuế giảm xuống 0%. Tuy nhiên, đi kèm với ưu đãi này là hàng rào kỹ thuật kiểm dịch thực vật sẽ tăng lên.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre), cho biết xuất khẩu trái cây tươi sang các thị trường khó tính cơ bản thuận lợi. Với Mỹ, phải chấp hành đúng quy định của họ và những quy định này rất rõ ràng. Nếu tuân thủ, doanh nghiệp sẽ quản lý được chất lượng, không lo “dính” dư lượng hóa chất bị cấm. Tuy nhiên, thị trường này đang tiềm ẩn rủi ro do nhiều doanh nghiệp trong nước lao vào, tranh mua nguyên liệu dẫn đến nguy cơ không kiểm soát được chất lượng. Những lô hàng vi phạm quy định sẽ bị phạt, hủy hàng. Khi đó, những doanh nghiệp cùng ngành cũng bị vạ lây, thậm chí bị chặn toàn bộ nguồn xuất.“Để không mất thị trường, vấn đề quan trọng là phải kiểm soát được chất lượng trái cây xuất khẩu” – bà Thu đúc kết.
Theo một cán bộ Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu (đơn vị phụ trách mở cửa các thị trường xuất khẩu trái cây của Cục BVTV), những thị trường khó tính có hàng rào kỹ thuật rất khắt khe. Chẳng hạn, việc xử lý ruồi đục quả, Nhật Bản, Hàn Quốc yêu cầu xử lý bằng máy hơi nước nóng với tỉ lệ diệt trừ lên đến 99,965% – gần như tuyệt đối. Một số nước còn cử kiểm dịch viên sang Việt Nam giám sát chất lượng nguồn hàng và DN xuất khẩu phải trả lương cho họ với mức khá cao. Cộng thêm nhiều chi phí đẩy giá thành trái cây Việt Nam lên cao hơn nhiều so với giá nguyên liệu, giảm sức cạnh tranh.
Ngoài ra, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, hoạt động xúc tiến thương mại cho trái cây của nhà nước ở nước ngoài kém hiệu quả, chưa nắm bắt được thị hiếu của khách hàng.
Theo nhận định của nhiều cơ quan chức năng, trái cây trong nước được sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên nguồn cung khó bảo đảm cả số lượng lẫn chất lượng. Doanh nghiệp nông nghiệp nói chung đã yếu, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây còn yếu hơn. “Số doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đã ít, một vài đơn vị còn làm ăn gian dối. Xuất những lô đầu thì đúng tiêu chuẩn nhưng sau đó trà trộn hàng kém chất lượng, làm giảm uy tín trái cây Việt. Đây là vấn đề phải sớm khắc phục” – ông Hoàng Trung bức xúc.
Theo Bộ NN-PTNT, để trái vải vào được thị trường Úc, phải mất hơn 10 năm đàm phán. Còn thâm nhập thị trường Úc, Mỹ, Đài Loan, thời gian đàm phán không dưới 4 năm; thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, sớm nhất cũng phải 2 năm. “Lo nhất là vi phạm quy định của nơi nhập khẩu, phải đàm phán lại từ đầu. Chẳng hạn, sau khi Đài Loan cấm nhập khẩu, trái thanh long phải mất hơn 6 năm mới có thể quay trở lại thị trường này” – ông Trung nói.
Xử nghiêm cán bộ nhũng nhiễu
Mùa thu hoạch vải đang đến gần, Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung khẳng định với tinh thần phục vụ doanh nghiệp và nông dân, cục đã chỉ đạo hệ thống kiểm dịch thực vật ở 2 cửa khẩu lớn là Lào Cai và Lạng Sơn cũng như trên cả nước tăng cường nhân lực, tạo điều kiện tối đa, không kể ngày đêm, không để ách tắc bất cứ lô hàng xuất khẩu nào. “Cán bộ kiểm dịch hách dịch, nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp xuất khẩu, cục sẽ xử lý kỷ luật nghiêm khắc” – ông Trung khẳng định.
Theo ước tính, năm nay, sản lượng trái vải sẽ giảm khoảng 10% so với năm trước. Thị trường Trung Quốc vẫn chiếm 50%-60%; còn lại xuất qua Mỹ, Úc, châu Âu và các nước Đông Nam Á. V.Duẩn.