Xin học cho con, sao khó thế?

Những câu chuyện nhiêu khê đã xảy ra trong mùa tuyển sinh các lớp đầu cấp (năm học 2007-2008) tại TPHCM.

“Trước kia nhà tôi ở Q.5. Đến năm 2003 khu nhà bị giải tỏa, tôi mua nhà mới tại Q.11. Vì thủ tục chuyển trường quá rườm rà nên tôi vẫn cho con gái tiếp tục học tiểu học ở Q.5. Hết lớp 5 cháu đạt điểm chuẩn vào lớp 6 là 19,25 điểm, cộng với thành tích năm năm liền là HS giỏi – tôi mang hồ sơ qua Trường THCS Hồng Bàng (Q.5). Nhà trường trả lời con tôi không có hộ khẩu Q.5 nên thuộc diện ngoài tuyến, phải đạt từ 19,5 trở lên mới được dự tuyển (điểm chuẩn dành cho HS trong tuyến là 17 – PV).

Tôi bèn về Q.11, đến Trường THCS Chu Văn An (Q.11) mua đơn. Nhân viên tuyển sinh của trường nói rằng: “Con tôi không học tiểu học tại Q.11 – thuộc diện ngoài tuyến nên phải có giấy chứng nhận cha hoặc mẹ là cán bộ công chức đang công tác trên địa bàn quận mới được mua đơn”. Vậy diện trong tuyến con tôi ở đâu?” – anh T.V.B. phản ảnh với giọng bức xúc.

 “… Lo cho HS cư trú trên địa bàn trước”Mỗi địa phương có lý lẽ riêng: “Chúng tôi phải lo cho HS cư trú trên địa bàn trước. HS quận nào phải về quận đó học chứ” (ông Ngô Văn Tấn – trưởng Phòng GD-ĐT Q.6); “HS đã học lớp 5 ở đây thì chúng tôi phải sắp xếp cho các em học lớp 6 chứ. Những em thường trú Q.11, học tiểu học quận khác có chắc sẽ về Q.11 không mà phòng giáo dục đưa vào diện trong tuyến” (một cán bộ của Phòng GD-ĐT Q.11).Trong khi đó, trường hợp cư trú quận này đi học quận khác cho bố mẹ tiện việc đưa đón khá phổ biến ở TP.HCM. Qui định chồng chéo khiến phụ huynh lao đao, đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” chọn cho con mình một phương án phù hợp, bởi “đi cũng dở mà ở cũng không xong”.

Sao khó thế?

Sáng 14-6 chị N.T.T. đến Phòng GD-ĐT Q.11, khuôn mặt không giấu được vẻ lo lắng, chị rụt rè: “Nhờ các chú giúp đỡ chứ một mình cháu nuôi ba đứa con, cứ phải nghỉ bán buôn đi xin học như thế này, khổ lắm”. Hộ khẩu Q.8 nhưng gia đình chị T. đã chuyển sang Q.11 mướn nhà ở từ năm 2002. Con chị đã nhận được giấy gọi nhập học lớp 1 của UBND phường hẳn hoi. Nhưng khi chị đến Trường tiểu học Hưng Việt thì bị từ chối, nhà trường yêu cầu chị về UBND phường xác nhận HS có tạm trú tại địa phương (mặc dù giấy gọi nhập học lớp 1 của UBND phường đã chứng minh điều này).

Cán bộ phường cũng đã viết thêm vài chữ lên giấy báo nhập học của con chị T., rằng gia đình chị T. tạm trú ở P.1, Q.11 đã năm năm nay. Lần này, khi đến trường chị T. còn nhờ cả ông tổ trưởng tổ dân phố đi cùng để đóng vai trò “nhân chứng sống” xác nhận cho con chị. Thế nhưng, nhà trường vẫn không đồng ý và yêu cầu chị xin xác nhận của Phòng GD-ĐT quận. Lại khập khiễng tìm đường lên phòng giáo dục (chị T. bị tật ở chân, đi lại rất khó khăn) tiếp tục trình bày hoàn cảnh: “Nhỏ chị nó đang học lớp 2 Trường Hưng Việt rồi, đến nhỏ em không hiểu sao lại khó thế?”.

Hoàn thành chương trình tiểu học đạt loại giỏi tại Trường tiểu học Kỳ Đồng (Q.3), con của anh Đ.V.C. hi vọng sẽ vào lớp 6 Trường THCS Lê Lợi, Q.3 – gần chỗ làm của phụ huynh. Nhưng không, trong danh sách phân tuyến chỉ những HS có hộ khẩu Q.3 mới được vào Trường Lê Lợi. Còn con anh C. hộ khẩu Q.Phú Nhuận nên phải vào Trường THCS Bạch Đằng. Anh tỏ vẻ bất đồng: “Dĩ nhiên, ai cũng biết Trường Bạch Đằng không bằng Trường Lê Lợi, và riêng đối với con tôi thì phụ huynh sẽ vất vả hơn khi đưa đón con. Phải chăng những bất công vẫn bắt nguồn từ cái hộ khẩu?”.

Quay về Q.Phú Nhuận, anh C. “vấp” phải qui định của Phòng GD-ĐT: “HS có hộ khẩu Q.Phú Nhuận, đang theo học ngoài quận muốn trở về Phú Nhuận sẽ nộp đơn ngay tại trường muốn xin vào học. Sau đó, ban tuyển sinh nhà trường và hội đồng tuyển sinh quận sẽ xem xét và giải quyết từng trường hợp tùy theo khả năng còn thu nhận của các trường. Thời gian nhận hồ sơ từ ngày 1 đến 20-8”. Tức sát đến ngày khai giảng anh C. mới được nộp hồ sơ và cũng không chắc chắn con mình có được nhận vào học hay không.

Mỗi quận, huyện một phương án tuyển sinh

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, các quận, huyện được phép quyết định kế hoạch tuyển sinh các lớp đầu cấp “trên cơ sở khuyến khích thực hiện mô hình giáo dục đáp ứng yêu cầu hội nhập, đồng thời phải phù hợp với văn bản hiện hành”. Vì thế, mỗi quận huyện có một phương án tuyển sinh khác nhau – thậm chí trái ngược nhau về đối tượng ưu tiên, diện trong tuyến, ngoài tuyến… Ví dụ như tuyển sinh lớp 6, có thể ở quận này đối tượng thuộc diện trong tuyến là HS tiểu học của quận, không phân biệt có hộ khẩu hay không. Nhưng với quận khác, đối tượng đó thuộc diện ngoài tuyến, HS phải có hộ khẩu thường trú hoặc KT 3 trên địa bàn quận mới thuộc diện trong tuyến.

Có những trường hợp thuộc diện trong tuyến (tức chắc chắn sẽ được nhận) nhưng vẫn phải chịu thiệt thòi hoặc lép vế so với những HS khác. Như Q.1: nhận HS lớp 6 công lập có điểm chuẩn 17 đối với HS tiểu học Q.1, có hộ khẩu Q.1. Thế nhưng, HS tiểu học Q.1, hộ khẩu ngoài Q.1 phải đạt 18 điểm mới được vào công lập. Hoặc như Q.4: HS có hộ khẩu Q.4, học tiểu học quận khác muốn về học lớp 6 không được chọn lựa trường mà chỉ được đăng ký vào Trường THCS Nguyễn Huệ 2…

Những nhiêu khê như trên phải chăng là một trong những nguyên nhân đẩy phụ huynh đến tình trạng “chạy” trường?

Nguồn: Kinh tế nông thôn(kinhtenongthon.vn)

Bài viết liên quan

Thêm bình luận