Được triển khai từ tháng 3/2010, đến nay “Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học” (SEQAP) của Bộ GD&ĐT được triển khai tại 36 tỉnh thuộc vùng khó khăn của cả nước đã qua ngót nửa “nhiệm kỳ”. Là một trong những khu vực thụ hưởng chương trình này, các tỉnh Tây Nguyên vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại để thu được những thành công bước đầu trong việc dạy học cả ngày (FDS).
Điểm nhấn từ Kon Tum
Những ngày đầu năm học mới 2010-2011, tất cả 11 trường (54 điểm trường) của 7 huyện tham gia năm đã hoàn thành chuyển đổi 100% số học sinh sang học cả ngày theo phương án đã định. Đây là con số vô cùng ấn tượng bởi xuất phát điểm của các trường này rất thấp, chỉ có chưa đến 20% sinh học cả ngày khi bắt đầu triển khai chương trình.
Bí quyết thành công của Kon Tum là việc có lợi cho học sinh và cha mẹ các em thì làm bằng bất kỳ giá nào, không chần chừ, ỷ lại. Kon Tum đã dồn sức thực hiện các giải pháp: nêu cao quyết tâm chuyên môn của lãnh đạo địa phương và chuyển quyết tâm đó thành nhận thức, hành động; khắc phục sự thiếu hụt phòng học bằng các cách khác nhau như đầu tư xây mới phòng học ở những địa bàn trọng điểm bằng nguồn vốn địa phương như ở Đăk Tô, Sa Thầy; hoặc là mượn nhà thôn hoặc huy động các phòng chức năng của trường như ở Kon Plông, Kon Rẫy…miễn sao đủ ít nhất 0,8 phòng học/lớp trở lên. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình dạy học này đến cha mẹ học sinh, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng.
Mặc dù còn nhiều khó khăn và bất cập khi triển khai chương trình, nhưng
“Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học” vẫn luôn được nhắc đến như là
một chương trình sâu sắc tính nhân văn
Thành công bước đầu đến với Kon Tum khi phụ huynh học sinh rất phấn khởi khi con em mình được ăn trưa, ở lại trường học tập. Họ sẵn sàng đóng góp mua vật dụng ban đầu như: cặp lồng đựng suất ăn, chăn gối ngủ trưa, quản lý quỹ phúc lợi học sinh. Trường tiểu học Xã Hiếu (huyện Kon Plông) có 7 điểm trường đều tổ chức ăn trưa bán trú. Phụ huynh học sinh hợp đồng nấu ăn, nhà bếp nhà ăn đặt luôn tại nhà cấp dưỡng. Trường Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) có 5 điểm trường, giờ tan học sáng, giáo viên cùng cha mẹ học sinh mang thức ăn đến từng điểm cho học sinh…
Thành công lan tỏa
Học tập kinh nghiệm từ Kon Tum, một số tỉnh khác khu vực Tây Nguyên cũng chuyển đổi sang dạy học cả ngày với tiến độ rất nhanh. Các trường DliêYa, Nguyễn Thị Minh Khai, Tam Trung (huyện Krông Năng – Đăk Lăk), trường Lán Tranh (huyện Lâm Hà – Lâm Đồng… nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu phòng học, tự lực vận động làm nhà ăn khá hoành tráng, có nơi có cả giường nằm 2 tầng (như Lán Tranh 2). Tỉnh Đoàn Lâm Đồng đã hỗ trợ trường Lăng Tô (huyện Đam Rông) nhà nghỉ trưa 75m2. Tại trường Bế Văn Đàn (Gia Nghĩa- Đăk Nông), cha mẹ học sinh đóng góp thêm ngoài số suất ăn 2 bữa/ tuần cho học sinh ăn 5 bữa tuần học luôn 10 buổi/tuần theo phương án học cả ngày tối đa của chương trình. Đến đâu, dạy học cả ngày cũng làm mọi người rạo rực một sinh khí mới.
Nhưng đáng chú ý là mô hình FDS đã làm cho chất lượng dạy và học chuyển biến tích cực và rõ rệt. Giáo viên đã vận dụng phương pháp kỹ thuật dạy học được bồi dưỡng vào việc tổ chức hoạt động học tập tích cực cho học sinh. Một số giáo viên đã dạy học bằng phương tiện điện tử, máy chiếu góp phần đổi mới kỹ thuật dạy học. Những nơi có nhu cầu, nhà trường đã hợp đồng giáo viên trợ giảng tiếng dân tộc. Nhiều trường tổ chức “góc SEQAP” để thông tin kế hoạch tổ chức dạy học. Tỉ lệ học sinh giỏi năm 2012 so với năm 2009 tăng 10,4%, học sinh khá tăng 1,6%; tỉ lệ học yếu so với năm 2009 giảm 2.1% (từ 8,8% xuống 6,7%). Năm học 2011-2012, tỉ lệ hoàn thành chương trình tiểu học tăng và đạt mức tuyệt đối 100%; không còn học sinh ở lại lớp hàng năm. Hoạt động buổi trưa của học sinh cũng đa dạng hơn, không chỉ là ăn trưa mà còn có thể đọc sách, xem phim, ảnh…
Mặc dù còn nhiều khó khăn và bất cập khi triển khai chương trình, nhưng “Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học” vẫn luôn được nhắc đến như là một chương trình sâu sắc tính nhân văn, lần đầu tiên mang đến người thụ hưởng (học sinh khó khăn là người dân tộc thiểu số, diện hộ nghèo…) lợi ích sát sườn vì sự học. Nền giáo dục của nhiều địa phương đã thay đổi nhờ tích cực chuyển đổi sang chương trình dạy học cả ngày.
Nguồn: Kinh tế nông thôn(kinhtenongthon.vn)