Đọc sách “Nữ tiến sỹ Đại học Quốc gia Hà Nội”: Đau lòng từ những điều trông thấy

Những điều có thật

Khi đọc tập sách “Nữ tiến sỹ Đại học Quốc gia Hà Nội”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội – 2006, chúng tôi chú ý tới 3 công trình của TS Chu Thị Thanh Tâm. Cả 3 đều có liên quan đến trình độ kiến thức và đạo đức trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy đại học.

1. Công trình thứ nhất: Sách giáo trình “Đổi mới phương pháp dạy – học môn Cơ sở văn hoá Việt Nam” – NXB Đại học Quốc gia Hà Nội – 2004. Đây là một công trình yếu kém toàn diện, đã được các bài báo mang tính khoa học và nhân đạo xã hội phân tích kỹ lưỡng.

Trong bài Thêm một công trình khoa học “kỳ khôi” (Thể thao – Văn hoá, 25-6-2005) tác giả Nguyễn Hoà viết: “Tôi quả quyết về sự “kỳ khôi” bởi theo tôi, bên cạnh việc “cóp nhặt” mang tính “đạo văn”, cuốn sách còn bộc lộ khá nhiều hạn chế về tri thức của tác giả và qua đó, họ đã góp phần “hạ giá” một khát vọng lành mạnh là ứng dụng công nghệ Multimedia (đa phương tiện truyền thông) vào công việc dạy – học”. Điểm qua một số phẩm chất “kỳ khôi” của cuốn sách “Đổi mới phương pháp dạy học môn cơ sở văn hoá Việt Nam” có thể thấy nó thiếu vắng quá nhiều phẩm chất khoa học. Rất tiếc, không rõ bị “shock” trước thuật ngữ Multimedia hay do lòng ưu ái mà hai vị giáo sư “mở đầu” và “khoá đuôi” cho cuốn sách lại ban phát quá nhiều lời khen tặng… Trộm nghĩ, khi lời khen tặng được sử dụng phung phí như thế thì đến bao giờ khoa học nước nhà mới có cơ hội phát triển?.

Trong bài Về công trình giả khoa học của một tiến sỹ (Giáo dục thời đại, chủ nhật, ngày 6-11-2005), tác giả Nguyễn Hoà lại viết: “Về việc “đạo văn”, tác giả (TS Chu Thị Thanh Tâm) đã “thuổng” toàn bộ hệ thống “đề thi cơ sở văn hoá Việt Nam” với tính cách là sản phẩm khoa học độc lập, là tài sản tinh thần riêng của GS -TS Trần Ngọc Thêm để đưa vào cuốn sách mà không hề có chú thích nào. Nếu có “sáng tạo” thì chỉ là ở chỗ đã “mông má” sắp xếp, đảo đi đảo lại một cách cẩu thả. Đặng làm sáng tỏ vấn đề, tôi đã liên lạc với GS -TS Trần Ngọc Thêm để xác minh và được ông xác nhận. Hiện tôi đã có bản scan của hệ thống câu hỏi. Tôi nghĩ GS -TS Trần Ngọc Thêm hoàn toàn có đủ cơ sở để kháng nghị việc TS Chu Thị Thanh Tâm “đạo văn” của ông. “Về nội dung ứng dụng công nghệ Multimedia vào dạy – học là hết sức cần thiết, song sự ứng dụng sẽ chỉ có giá trị thực tế nếu người ứng dụng nắm bắt một cách thấu đáo bộ môn mình giảng dạy. Tiếc thay, tác giả không chỉ tỏ ra hời hợt, không có khả năng lựa chọn những đơn vị kiến thức tinh tuý từ tác phẩm của người khác mà còn… “hơi liều”. Ngoài cụm từ Multimedia thì tri thức về công nghệ thông tin của TS Chu Thị Thanh Tâm cũng chưa vượt qua chương trình đào tạo “tin học văn phòng bằng A”. Tôi nhận ra họ “học lỏm” ở đâu đó nhiều hơn là những tri thức mà bản thân họ được trang bị một cách cơ bản”. “Cuốn sách chứa đựng quá nhiều sự cẩu thả trong phương pháp, lập luận, kiến thức, văn phạm, văn bản…”.

Và trong bài Tiến sỹ viết sách vậy a? (Văn nghệ trẻ, 11-12-2005), một lần nữa, độc giả lại được thấy tác giả Trần Ngọc Hà phê phán: “Tên sách một đàng, nội dung một nẻo”, “những nhầm lẫn và sai sót “chết người” về kiến thức văn hoá”, “362 trang sách… là những cú “tung hoả mù”, “sách rỗng ruột”, “100 trang phụ lục độn vào cho dày dặn… một số bài trong phụ lục tầm phào và phản kho học đến khó lòng chấp nhận”, thậm chí lại kết luận rằng “tư tưởng Hồ Chí Minh là một tôn giáo” (bài 14). Để kết luận bài báo, Trần Ngọc Hà viết: “Chúng tôi không thể nào hiểu nổi tại sao cuốn sách này lại qua mặt được nhiều nhà khoa học lão thành trong hội đồng thẩm định để nghiệm thu và cho xuất bản thành giáo trình? Chúng tôi cho rằng vẫn sẽ là chưa muộn nếu Đại học Quốc gia Hà Nội nghiêm túc xem xét lại việc lưu hành cuốn sách này”.

Ngoài ra, những yếu kém về mặt tin học và một số mặt khác trong cuốn sách cũng đã được TS Quách Tuấn Ngọc (Giám đốc trung tâm tin học Bộ Giáo dục và Đào tạo) nêu ra trên mạng internet, ví dụ: “Hiểu biết về công nghệ thông tin còn rất hạn chế”, “TS Tâm quá bị ám ảnh bởi thuật ngữ Multimedia nên cái gì cũng Multimedia”, “nhầm lẫn khái niệm Multimedia trong mạng và ngoài mạng (CD-ROM)”, “các hình ảnh coppy vào bài giảng còn quá xấu về chất lượng”, “theo tôi, bài giảng này chưa thực sự đầy đủ, bao quát, sâu sắc… Phần cuối sách đúng là “độn” thêm nhiều nội dung linh tinh, chủ yếu là để khoe mình nhiều “công trình”. “Lời khuyên” TS Tâm nên lấy cái tâm là chính, hãy bỏ cái phần độn sách, độn 8o trang và phần thu hoạch của sinh viên, hãy bình tâm suy nghĩ viết lại, tập trung chủ yếu vào giáo trình văn hoá, công nghệ thông tin chỉ là sự thể hiện cách dạy, cách truyền đạt nội dung”.

Ngay sau khi có loạt bài báo trên về cuốn sách của TS Tâm, ban giám hiệu Trường đại học Ngoại ngữ (ĐHNN) – Đại học Quốc gia Hà Nội đã có văn bản (Phó hiệu trưởng Nguyễn Hoà ký tháng 12-2005) hồi âm báo chí về việc phủ định giáo trình này với cách là tài liệu tham khảo chính thức cho sinh viên học môn Cơ sở văn hoá Việt Nam tại trường. Tuy nhiên, trên thực tế, TS Tâm vẫn là người quản lỹ và lãnh đạo môn Cơ sở văn hoá Việt Nam ở trường ĐHNN – Đại học Quốc gia Hà Nội. Tình hình này đã tạo ra sự bất ổn lớn về nhận thức và hành động trong nội bộ môn Ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam. Riêng với cuốn giáo trình Đổi mới phương pháp dạy -học môn Cơ sở văn hoá Việt Nam bất chấp dư luận, nó vẫn được chủ nhân mang đi phát hành và dạy tại các cơ sở đào tạo khác. Như chúng tôi được biết, vào khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 5-2007, cô Tâm vẫn sử dụng giáo trình này chính thức dạy cho sinh viên tại chức khoá 2 và 3 Trường đại học Kinh tế quốc dân.

2. Công trình thứ hai: Đề tài “ứng dụng công nghệ thông tin vào việc dạy học môn Cơ sở văn hoá Việt Nam”. Đề tài cấp Đại học quốc gia, mã số QN02.02 lại chính là cơ sở nội dung của cuốn sách Đổi mới phương pháp dạy – học môn Cơ sở văn hoá Việt Nam đã nói ở trên. Như vậy, hai công trình này thực chất “tuy hai mà một”. Chỉ có điều, nếu Trường ĐHNN – Đại học Quốc gia Hà Nội đã có văn bản phủ định cuốn sách “Đổi mới phương pháp dạy – học…” thì có tiếp tục phủ định “mẹ đẻ” của nó là đề tài QN02.02 không?

3. Công trình thứ ba: Đề tài “Đối chiếu hành vi ngôn ngữ hỏi trong tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung trên hai góc độ cấu trúc và sử dụng”. Đề tài đặc biệt cấp ĐHQG, mã số QG05.41 tháng 4-2007, kinh phí 60 triệu đồng.

Trước hết, có thể khẳng định rằng, đề cương chi tiết của đề tài này đã bị bác bỏ, tên đề tài này đã bị bác bỏ, tên đề tài phải thay đổi lại. Đó là những kết luận của hội đồng trong buổi bảo vệ đề cương chi tiết của đề tài “Đối chiếu hành vi ngôn ngữ hỏi trong tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung trên hai góc độ cấu trúc và sử dụng” tại trường ĐHNN – Đại học Quốc gia Hà Nội. Chúng tôi được biết, đến tháng 5-2007, cán bộ theo dõi đề tài của Ban khoa học công nghệ Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn chưa nhận được báo cáo của phòng Nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng trường ĐHNN – Đại học Quốc gia Hà Nội về kết luận như trên đối với đề tài QG05.41. Hơn nữa, trong danh mục trên trang web của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng không thấy có tên của đề tài, phải chăng vì đề tài đã bị phủ định ngay từ lần bảo vệ đề cương chi tiết cách đây đúng một năm?”.

Mấy lời kết luận – Những câu hỏi đặt ra

1. Với 3 công trình, 3 sự bê bối của cùng một tác giả – TS Chu Thị Thanh Tâm – không biết Trung tâm nghiên cứu phụ nữ Đại học Quốc gia có thấy sự xuất hiện của các công trình này trong một tập sách nghiêm túc và sang trọng là một việc làm coi thường dư luận xã hội, xúc phạm nặng nề đến đội ngũ nữ tiến sỹ Đại học Quốc gia hay không?

2. Việc giới thiệu các công trình nghiên cứu khoa học của các nữ trí thức là hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, qua một sự việc rất nhỏ – sự việc chỉ như “con sâu bỏ rầu nồi canh” mà TS Chu Thị Thanh Tâm gây ra, chúng ta không thể không nghĩ đến bài học về sự thiếu trung thực, thiếu đạo đức trong công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Thiết nghĩ, nếu không ngăn chặn kịp thời các hành vi “tham nhũng khoa học” như trên thì rồi ra, con thuyền khoa học nước nhà sẽ trôi về đâu?

Đỗ Bá Lộc
(nguyên Ủy viên – thư ký Hội đồng Ngữ học
và Việt học, Bộ Giáo dục và Đào tạo) – Theo QĐNDCT

Nguồn: Kinh tế nông thôn(kinhtenongthon.vn)

Bài viết liên quan

Thêm bình luận