Mùa “đua trường” sớm: Còn nhiều âu lo…

Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đầu tháng 7 các trường nhận hồ sơ tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, nhưng việc “chạy” hồ sơ có khi được tiến hành từ trước đó vài tháng. Để giảm bớt căng thẳng, thành phố đã quyết định xây dựng thêm 8 điểm trường mầm non. Tuy nhiên, âu lo vẫn chưa hết…

Vẫn thiếu trường mầm non công

Trước thực trạng phụ huynh chạy đua lo cho con vào học trường công, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội khẳng định, thành phố không thiếu trường, không thiếu chỗ học cho các cháu, 100% cháu đúng độ tuổi được vào học tại các trường tiểu học, THCS công lập. Riêng các cháu mẫu giáo, dựa vào chỉ tiêu trước đây và theo chiến lược xã hội hóa giáo dục, đến năm 2010 chỉ tiêu dành cho học sinh mẫu giáo công lập là 70%, nhà trẻ công lập là 80%. Do đó, số lượng các trường mầm non công lập hiện nay chưa thể đáp ứng được nhu cầu. Hiện, mới có khoảng 85% số cháu trong độ tuổi được học tại trường mầm non công lập.

Như vậy, để có được một suất học cho con tại trường mầm non công lập, đương nhiên 15% phụ huynh phải chấp nhận “chạy đua”. Ngoài việc vận động các mối quen biết, nhiều người sẵn sàng “mua” suất học cho con.

Thực tế thấy, số trường mầm non ngoài công lập không đáp ứng được yêu cầu học tập và vui chơi của trẻ chiếm tỷ lệ không nhỏ, nào là phòng học chật chội, thiếu sân chơi, chất lượng và trình độ giáo viên còn nhiều tồn tại… Nếu học trường ngoài công lập “tạm ổn” về các phương diện, phụ huynh phải chấp nhận mức học phí cao gấp 3 – 4 lần trường công lập!

Ông Nguyễn Thế Sơn, Phó trưởng phòng Phòng Kế hoạch – Tài chính (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết: “Thành phố có dự án xây 6 trường mầm non với 8 điểm trường từ năm 2012. Hiện trạng cụ thể của các trường như sau: phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) có 2 điểm trường, gồm điểm tại 272 Trần Khát Chân đã xây dựng xong, tuyển sinh từ năm học 2012 – 2013; điểm tại 63 Ngõ Quỳnh đến nay chưa giải phóng xong mặt bằng. Phường Lê Đại Hành có 2 điểm trường, gồm điểm tại 53 Lê Đại Hành đã xây dựng xong và chính thức tuyển sinh từ năm học này; điểm trường tại 66 Vân Hồ 3 đang lên phương án di dời. Tại quận Đống Đa, điểm trường tại phường Láng Thượng và phường Trung Liệt sẽ bàn giao vào quý II/2013. Ở quận Thanh Xuân, Trường Mầm non Ngã Tư Sở đã có quyết định giao đất. Điểm trường tại Phương Mai (Ba Đình) cũng đã có quyết định giao đất. Về cơ bản, khó khăn vướng mắc lớn nhất vẫn là khâu giải phóng mặt bằng”.

Đâu là phương án tối ưu?

Hiện nay, trường công lập vẫn là lựa chọn hàng đầu của đa số phụ huynh. Sĩ số lớp luôn đông, nhưng bù lại, học phí rẻ hơn so với trường tư thục, môi trường học tập tốt, giáo viên được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, ở nhiều quận, huyện, việc tuyển sinh luôn trong tình trạng “cung không đủ cầu”. Cảnh xếp hàng trắng đêm xin cho con học luôn là nỗi âu lo của nhiều bậc phụ huynh Thủ đô mỗi mùa tuyển sinh.

Tình trạng “nhốn nháo” trong tuyển sinh bậc mầm non còn diễn ra bởi sự ưu tiên của các trường dành cho lớp 5 tuổi. Theo đó, trẻ 5 tuổi được tạo điều kiện cho học để sang năm các cháu có thể vào lớp 1, còn trẻ ở lứa tuổi thấp hơn phải chấp nhận phương án… bốc thăm. Cũng vì thế, nhiều trẻ có đầy đủ giấy tờ hợp lệ chưa hẳn đã vào được trường công lập đúng tuyến.

Ông Độ cho rằng, nhu cầu học tập và điều kiện của các cháu là như nhau, không có sự khác biệt về học bạ, trình độ văn hóa, địa danh,… nên trẻ có điều kiện và cơ hội như nhau. Do hiện nay Hà Nội chưa đáp ứng được 100% chỗ học trong trường công lập nên phương thức tuyển sinh tối ưu là bốc thăm để đảm bảo công bằng.

“Lãnh đạo các quận, huyện đã cùng thống nhất, quyết tâm dành quỹ đất để xây dựng thêm các trường mầm non công lập tại các phường, xã chưa có trường. Các phường, xã đã tiến hành giao đất để tiến hành các bước tiếp theo. Phấn đấu năm học 2012 – 2013 sẽ có ít nhất 3 trường mới được đưa vào sử dụng, nhằm góp phần cải thiện phần nào tình hình căng thẳng hiện nay”, ông Độ nói thêm.

Tuy vậy, ông Sơn vẫn bày tỏ e ngại: “Dù thành phố và các ban ngành liên quan rất tích cực vào cuộc nhưng mấu chốt vấn đề lại nằm ở chỗ các doanh nghiệp trong diện thu hồi đất không muốn di dời cơ sở vật chất ra ngoại thành”.

Với tình hình đó, sự học của các cháu bậc mầm non có lẽ vẫn chưa thể đồng bộ trong tương lai gần…

Nguồn: Kinh tế nông thôn(kinhtenongthon.vn)

Bài viết liên quan

Thêm bình luận