Người dân ở xã Ya Chim (thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đã quá quen với việc đôi bạn A Pyiưh, làng Klâu Ngol Zố (dân tộc Gia Rai) 5 năm liền cõng bạn A Trâm đến trường. Lại càng không thể quên hình ảnh vào những ngày mưa lầy lội, A Pyiưh cõng A Trâm dò từng bước, lội bì bõm trên con đường đất trơn trượt… khi đến được lớp thì cả 2 đều ướt sũng, áo quần nhem nhuốc.
Một giáo viên của trường Tiểu học Ya Chim nhớ lại: Dù mưa dầm hay nắng gắt vẫn không làm chùn bước 2 cậu nhỏ. Thậm chí, những ngày bị cảm, A Pyiưh cũng như A Trâm đều không đồng ý cho bố mẹ đến trường xin phép thầy cô.
Để đến lớp đúng giờ, mỗi buổi sáng khi mặt trời chưa kịp ló dạng, cậu bé A Pyiưh đã đến nhà A Trâm để cõng bạn đến trường. Con đường từ nhà A Trâm đến lớp học tuy chỉ non nửa cây số nhưng toàn đất đỏ, mỗi lúc trời mưa, đường trơn trợt rất khó đi. Người lớn đi không quen có khi còn ngã nhưng đối với A Pyiưh thì dường như rất bình thường, ngay cả khi trên lưng bé nhỏ của cậu còn có 1 người bạn thân, A Trâm.
Hoàn cảnh gia đình của 2 em đều rất khó khăn, cuộc sống phải trông chờ vào tiền công cạo mủ cao su của bố mẹ. Ông A Pyưm, bố của A Pyiưh tự hào: “Nhà có 5 con, A Pyiưh là con thứ 3. Ở nhà cháu rất thương em và lễ phép với anh chị nhưng hễ có thời gian rảnh rỗi là nó chạy qua nhà A Trâm chơi và học chung với bạn. Đi học thì cõng bạn, ở nhà thì cõng em để bố mẹ đi làm”.
Lên cấp 2, khi mà A Trâm đã được 24kg, con đường đến trường dài thêm 5 km nữa, nên A Pyiưh đã xin nhà mua cho chiếc xe đạp để chở bạn đến trường. Vì A Pyiưh hiểu hoàn cảnh gia đình của bạn mình rất khó khăn do bố của A Trâm bỏ nhà đi khi em vừa sinh ra.
Lên đến bậc THCS, đôi bạn có sự hỗ trợ của xe đạp để đến trường.
Đến thăm A Trâm vào những ngày đầu tháng 10, cậu nhỏ giờ chỉ còn 1 tay là lành lặn, còn đôi chân và cánh tay trái bị bại liệt từ lúc mới sinh ra. Mỗi lần muốn đi đâu, cậu phải đi bằng 2 đầu gối hoặc nhờ người cõng. A Trâm có lẽ “láu” hơn mỗi khi “cướp lời” của người bạn của mình. Còn A Pyiưh khuôn mặt hiền lành, phúc hậu chỉ bẽn lẽn mỉm cười mỗi khi chúng tôi bắt chuyện. Người trong làng kể: “2 đứa nó như cây với lá, lúc nào cũng đi chung với nhau, thậm chí tối ngủ cũng ngủ với nhau”.
Thầy Nguyễn Văn Thịnh, hiệu trưởng trường THCS Ya Chim 1 cho biết: “A Trâm tuy bị tàn tật nhưng ý thức học tập rất tốt, còn em A Pyiưh thì rất ngoan và có tinh thần giúp đỡ bạn bè khi nhiều năm liền cõng bạn đến trường”.
Để thuận tiện cho A Trâm học tập và A Pyiưh có cơ hội gần gũi, giúp đỡ bạn, nhà trường đã bố trí mọi điều kiện thuận lợi nhất và phân công cô giáo là người dân tộc để nắm bắt nguyện vọng, tâm tư, tình cảm của các em. A Trâm học lớp 6C còn A Pyiưh học lớp 6A, nhưng cứ giờ ra chơi, A Pyiưh luôn tranh thủ qua chơi với cậu bạn của mình đang thui thủi trong lớp.
Cô Y Xuân, giáo viên chủ nhiệm lớp em A Pyiưh cho biết: Chuyện đôi bạn A Trâm và A Pyiưh đã trở thành tấm gương cho nhiều thầy cô trong trường khi đi vận động học sinh ra lớp.
Còn bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Phó phòng Giáo dục – Đào tạo thị xã Kon Tum xúc động: “Là học sinh dân tộc nhưng 2 em rất ham học trong khi những em khác thầy cô phải tìm mọi cách để vận động các em ra lớp nhưng rất khó khăn. Tấm gương đôi bạn này đáng trở thành mẩu chuyện để nhân rộng cho tất mọi trường học tập, noi theo”.
Xã Ya Chim là một trong những địa bàn có tình trạng bỏ học rất cao nhưng với đôi bạn này hầu như không vắng 1 buổi học nào. Có lẽ đối với 2 cậu nhỏ, mỗi lần không được cắp sách đến trường là nỗi buồn của các em vậy. A Pyiưh tâm sự: “Em cố học thật giỏi để trở thành bác sĩ khám chữa bệnh cho bà con trong làng”. Còn A Trâm mong muốn: “Lớn lên em sẽ là thầy giáo vì trong làng em còn nhiều em nhỏ không được đi học”.
Tinh thần hiếu học và tấm lòng hết mình vì bạn của đôi bạn nhỏ này khiến ai biết cũng rất đỗi cảm phục. Ghi nhận sự nỗ lực của các em, hôm nay 8/10, UBND tỉnh Kon Tum sẽ tổ chức Lễ trao Thư khen và quà của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho 2 em A Pyiưh và A Trâm.
Nguồn: Kinh tế nông thôn(kinhtenongthon.vn)