Chọn nơi này tổ chức lễ công bố cuộc thi, ngành GD&ĐT đã tạo cho mình được yếu tố “địa lợi” bởi đây không chỉ là ngôi trường có bề dày thành tích mà còn là nơi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến thăm và khởi xướng phong trào xây dựng nhà trường “trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò” năm 1981.
Tạo cơ chế khuyến khích sự sáng tạo
Từ năm học 2008 – 2009, Bộ GD&ĐT phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Trước đó, từ năm học 2007 – 2008, Bộ GD&ĐT đã phát động cuộc vận động “mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”.
Cuộc thi “Sáng tạo giáo dục” (Dự án Phát triển Giáo dục THCS II phối hợp với Vụ Giáo dục Trung học, Tạp chí Giáo dục tổ chức) là một hoạt động nhằm hưởng ứng cuộc vận động và phong trào trên.
Về mục đích của cuộc thi, TS Trần Đình Châu, Phó Vụ trưởng, Giám đốc Ban điều hành Dự án Phát triển Giáo dục THCS II, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo phong trào thi đua “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” của Bộ GD&ĐT cho biết: “Tiềm năng sáng tạo trong đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên là rất lớn.
Lãnh đạo ngành, đặc biệt là Phó Thủ tướng Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân rất quan tâm và muốn tạo điều kiện, cơ hội để phát huy tiềm năng đó, từ tiềm năng tạo ra các sản phẩm có tính sáng tạo và đạt hiệu quả cao trong các hoạt động giáo dục, phù hợp với hoàn cảnh nhà trường”.
Theo thể lệ cuộc thi, đây là một “sân chơi” mở dành cho mọi tập thể, cá nhân trong xã hội. Tuy nhiên, sản phẩm dự thi phải phục vụ quyền lợi cho đối tượng cụ thể: học sinh cấp THCS.
Nội dung sản phẩm dự thi phải đáp ứng một hoặc bao gồm các yêu cầu: Xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn; Dạy và học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của HS ở mỗi địa phương, giúp các em tự tin trong học tập; Rèn luyện kỹ năng sống; Tổ chức các hoạt động tập thể, vui tươi, lành mạnh; HS tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa cách mạng ở địa phương.
Đặc biệt, cuộc thi chú trọng đi vào chất lượng, có tính khoa học và tính khả thi, sản phẩm được lựa chọn có thể được đăng tải trên Tạp chí Giáo dục và các báo đài.
Cuộc thi không chỉ nhằm tìm kiếm những sản phẩm xuất sắc nhất để trao giải mà còn tạo cơ hội được đầu tư cho tối đa 22 đề tài trên toàn quốc. Nếu được lựa chọn đầu tư, mỗi đề tài sẽ được hỗ trợ khoản kinh phí từ 45 triệu – 200 triệu đồng để triển khai thực hiện.
“Chọn mặt gửi vàng”
Không phải ngẫu nhiên, trường THCS Đống Đa được lựa chọn là nơi tổ chức lễ công bố cuộc thi “Sáng tạo giáo dục” dành cho cấp THCS. Năm 1981, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã về thăm trường và đã kêu gọi toàn ngành GD&ĐT xây dựng những nhà trường mà trong đó “trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò”.
Từ nhiều chục năm nay, trường THCS Đống Đa đã hiện thực hóa lời kêu gọi đó, trở thành một trong những trường THCS lá cờ đầu của quận Đống Đa, nơi có nhiều thế hệ giáo viên và cán bộ quản lý tiêu biểu, tâm huyết và sáng tạo, là một đơn vị trường học nhưng có tới 2 cá nhân được vinh dự nhận bằng Lao động sáng tạo của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (hiệu trưởng Trần Thị Kim Liên và cô giáo Đỗ Thị Hồng Hà).
Một trong những thế mạnh của trường THCS Đống Đa là bồi dưỡng HS giỏi. Hàng năm, trường là một trong 2 đơn vị của quận Đống Đa có số học sinh đạt thành tích học sinh giỏi cấp quận nhiều nhất. Năm học 2007 – 2008, trong số hơn 2.000 HS của trường có 1.787 HS đạt học lực khá giỏi (87,5%).
Tuy nhiên, các hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa của trường cũng rất sôi nổi. Trong lúc ban tổ chức cuộc thi “Sáng tạo giáo dục” đang làm việc với lãnh đạo nhà trường thì ngoài sân trường đang diễn ra cuộc thi kéo co giữa HS các lớp.
Cô giáo Vân Hồng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mỗi tuần trường đều dành giờ ra chơi của 2 buổi học để tổ chức các trò chơi tập thể cho HS (các buổi khác thì các em được tập thể dục giữa giờ).
Năm học 2007- 2008, tất cả giáo viên của trường tích cực tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm, trong đó có 9 sáng kiến được xếp loại cấp thành phố.
Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Đống Đa Tạ Ngọc Thắng nhận xét: “Sự say mê và khả năng sáng tạo của đội ngũ GV trường THCS Đống Đa rất đáng nể. Chúng tôi mong qua cuộc thi “Sáng tạo giáo dục”, tinh thần này tiếp tục được phát huy và tạo hiệu ứng lan tỏa trong đội ngũ GV tất cả các trường THCS khác trên toàn quận”.
Nguồn: Kinh tế nông thôn(kinhtenongthon.vn)