Văn Lộc, đột phá với mô hình sản xuất lúa thơm

KTNT – Nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, tạo ra sản phẩm hàng hoá chất lượng cao, thay đổi tư duy canh tác, mấy năm gần đây, lãnh đạo xã Văn Lộc (Hậu Lộc – Thanh Hoá) tích cực vận động bà con đưa các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Đặc biệt, các giống lúa thơm đang dần thay thế lúa thường, tạo khí thế mới trong sản xuất nông nghiệp nơi đây.

Xem thêm: Làm thế nào để tăng độ phì nhiêu của đất

Tiền đề để dẫn tới thành công trong phong trào chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng ở Văn Lộc chính là công cuộc dồn điền đổi thửa. Những năm trước, mỗi hộ có tới 4 – 6 thửa ruộng, sau khi thực hiện dồn đổi, chỉ còn 1 – 2 thửa. Nhờ đó, công tác chỉ đạo sản xuất luôn thuận lợi, việc quy hoạch vùng sản xuất, hệ thống đường, điện, kênh mương nội đồng cũng dễ dàng hơn. Đến nay, xã đã có 10ha đất canh tác đạt giá trị thu nhập 50-100 triệu đồng/ha/năm trở lên, với cơ cấu cây trồng chủ yếu là cà chua, hành hoa, bí xanh và rau màu các loại; 20 trang trại cá, lúa, tôm cho thu nhập 45 triệu đồng/trang trại/năm trở lên. Ngoài ra, Văn Lộc còn chuyển đổi thành công trên 40ha cấy lúa thường, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại lúa thơm chất lượng cao, đây được coi là hướng đi tích cực và mạnh dạn. Ông Lê Văn Bắc, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp cho biết: “Các loại lúa thơm hiện đã khẳng định được vị thế nhờ năng suất và chất lượng vượt trội. Thời gian tới, xã sẽ mở rộng diện tích gieo cấy lúa N46, LT2, LT3, Hương cốm,… từng bước thay thế các giống lúa địa phương”.

Xem thêm: Làm giàu nhờ trồng cây hiếm

Khởi động từ tháng 10/2005 với 1ha, đến nay xã đã có 40ha lúa thơm, năng suất bình quân 55-58 tạ/ha, với giá thị trường hiện nay (480.000 – 490.000 đồng/tạ), bình quân cho thu nhập 24 – 27 triệu đồng/ha/vụ. Như vậy, chỉ tính riêng hai vụ lúa thơm, bà con đã thu gần 50 triệu đồng/ha/năm, chưa kể vụ đông. Trong khi đó, nhu cầu gạo thơm trên thị trường rất lớn và giá cả luôn ổn định. Huyện cũng đã chọn Văn Lộc làm điểm để nhân rộng mô hình này ra 27 xã. Ông Nguyễn Duy Tập, một hộ sản xuất lúa thơm cho biết: “Vụ vừa rồi gia đình tôi cấy 3 sào (1 sào = 360m2), thu về 8,2 tạ thóc, bán được gần 4 triệu đồng. Vụ sau tôi sẽ tiếp tục nâng diện tích cấy lúa thơm lên bởi chi phí đầu tư không cao, dễ làm mà giá bán lại cao”.

Xem thêm: Kỹ thuật trồng nho trong chậu

Để từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, xã đang tiếp tục thực hiện dồn điền đổi thửa lần 2, quy hoạch vùng sản xuất giống lúa thơm nhằm cung cấp giống chất lượng cho các địa phương trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, để việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả cao, lãnh đạo xã cần năng động hơn nữa trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, HTX dịch vụ nông nghiệp có thể liên doanh, liên kết với các HTX khác để sản xuất, tiêu thụ lúa thơm. Với những gì đã và đang diễn ra trên những cánh đồng, chắc chắn Văn Lộc sẽ tiến xa hơn nữa trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng.

Nguyn Dũng – Tân Thành

Bài viết liên quan

Thêm bình luận