Giáo dục miền cao: Đường đến trường bớt nhọc nhằn nhờ “ngoại lực”

“Nhờ Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các em học sinh tiểu học có hoàn cảnh khó khăn, dân tộc thiểu số trên toàn tỉnh có điều kiện học tập tốt hơn. Bởi vậy, hiệu trưởng, học sinh, phụ huynh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đều mong muốn SEQAP sẽ tiếp tục đồng hành với sự nghiệp “trồng người” của tỉnh Bắc Kạn trong những năm tiếp theo”.

Về với Côn Minh chúng tôi mới thấy “con đường” đến trường của những em học sinh ở một xã nghèo vùng cao thuộc đối tượng 135 khó khăn, vất vả đến nhường nào. Dù đã nhận được sự quan tâm, đầu tư của các cấp lãnh đạo nhưng vẫn có những thôn bản nằm cách xa các điểm trường. Để đến được lớp học, có những em phải vượt qua quãng đường 12km đường núi. Quãng đường ấy như một sợi dây vô hình cản trở việc tiếp cận con chữ của các em. Mỗi lần đến lớp, các em thường phải đèo, gùi những thứ mà cha mẹ chuẩn bị để đến lớp học và sinh hoạt ngay tại trường. Vì quãng đường xa nên tình trạng học sinh đến học muộn hay bỏ buổi không đến lớp thường xuyên diễn ra. Thực trạng ấy đã được khắc phục khi Chương trình “Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học” (SEQAP) được triển khai tại Trường tiểu học Côn Minh từ năm học 2012-2013.

“Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học”
đang mang lại hiệu quả thiết thực.

Thầy Hoàng Văn Bích, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Trường có 187 học sinh thì chương trình giúp đỡ bữa ăn trưa cho 74 em, chiếm gần 40% số học sinh của trường. Nhờ SEQAP, các em được ăn trưa và nghỉ ngơi ngay tại trường, không phải đi lại về nhà hàng chục cây số nữa nên có rất nhiều thuận tiện. “Cái được nhất của chương trình là duy trì sĩ số 2 buổi/ngày. Ngày trước không được hỗ trợ bữa ăn trưa, các em thường hay đi học muộn hoặc đến lớp không đều khi đi học 2 buổi/ngày. Bây giờ, các em đi học đều hơn, nhờ đó chất lượng giáo dục cũng được nâng cao hơn” – thầy Bích nhấn mạnh.

Tại Trường tiểu học Yến Lạc, theo Hiệu trưởng Nông Thị Nga, trường hiện có trên 30 em học sinh thuộc diện hộ nghèo. Điều kiện kinh tế của gia đình các em hết sức khó khăn. Đi học xa, nhà lại thiếu đói nên đã ảnh hưởng không ít tới việc học hành của các em. Nhờ chương trình SEQAP, các em đã có hứng thú đi học đều, chất lượng nâng lên. “Các em còn được thưởng những phần thưởng cuối năm như quần áo chẳng hạn. Điều này đã khích lệ các em siêng năng đến lớp học tập hơn và phụ huynh cũng hưởng ứng chương trình này” – cô Nga cho biết.

Được biết, Chương trình SEQAP được triển khai đầu tiên tại tỉnh Bắc Kạn vào năm học 2010- 2011. Năm học này chương trình đã chọn ra 9 trường tiểu học khó khăn nhất trên địa bàn tỉnh để thực hiện. Đến năm học 2012-2013, chương trình đã đến với 32 trường tiểu học. Và đến nay, trên toàn tỉnh đã có 40 trường tiểu học với hơn 11.471 học sinh được thụ hưởng từ chương trình này.

Các trường tham gia SEQAP, ngoài việc tập trung dạy học đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng các môn học vào giờ chính khóa còn xây dựng kế hoạch dạy học buổi thứ 2 tập trung vào các nội dung như: Củng cố kiến thức, kỹ năng môn Tiếng Việt và môn Toán; tăng cường công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém; tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp như văn nghệ, thể dục thể thao, giáo dục an toàn giao thông, tổ chức một số chuyên đề tìm hiểu cuộc sống quê hương, tổ chức ngày hội đọc, giao lưu các môn học cho học sinh.

Để nâng cao chất lượng dạy học 2 buổi/ ngày, bước đầu các nhà trường đã triển khai công tác tự bồi dưỡng, dự giờ, hội giảng, trao đổi kinh nghiệm tại trường, tổ chức có hiệu quả các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp và hoạt động giáo dục âm nhạc ….

Kết quả 100% số CBQL và giáo viên của các trường được bồi dưỡng đầy đủ, nắm rõ nội dung các môn theo yêu cầu của Chương trình SEQAP.

Theo đánh giá bước đầu 100% các trường tham gia SEQAP đều thực hiện tốt phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Ngoài tập trung vào hoạt động chuyên môn, năm học 2012 – 2013 các trường tiểu học tham gia SEQAP còn tiếp tục thu được thành công khi tổ chức bán trú, ăn trưa cho học sinh theo các hình thức như: tổ chức cho học sinh ăn trưa tại trường 4 bữa/tuần (2 bữa được hỗ trợ từ Chương trình, 2 bữa do cha mẹ học sinh đóng góp). Kết quả: Số học sinh được ăn trưa là 3490/8392, đạt tỷ lệ 41,58%.

Sở GD&ĐT đã tổ chức đi kiểm tra, làm việc thực tế tại các huyện, thị xã; cùng BQL Chương trình SEQAP các huyện thống nhất danh mục đầu tư theo số kinh phí được cấp. Đến nay các đơn vị đã triển khai các thủ tục xây dựng dự kiến sẽ hoàn thành khối lượng theo đúng số vốn XDCB giao cho tỉnh Bắc Kạn, cụ thể: 05 nhà đa năng; 08 phòng học; 04 nhà vệ sinh

Nhờ SEQAP, các em học sinh tiểu học có hoàn cảnh khó khăn, là người dân tộc thiểu số trên toàn tỉnh được hưởng thụ chương trình, qua đó chất lượng giáo dục tiểu học được nâng lên.

Nhiều hiệu trưởng, học sinh, phụ huynh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đều mong muốn SEQAP sẽ tiếp tục đồng hành với sự nghiệp “trồng người “ của tỉnh Bắc Kạn trong những năm tiếp theo.

Tùng Minh

Nguồn: Kinh tế nông thôn(kinhtenongthon.vn)

Bài viết liên quan

Thêm bình luận