Thanh Hóa: Gần 25.000 sinh viên thất nghiệp

Theo thống kê mới nhất của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, hiện trên địa bàn tỉnh có tới 24.956 sinh viên (SV) tốt nghiệp ra trường (từ trung cấp chuyên nghiệp đến sau ĐH) chưa có việc làm, biến Thanh Hóa thành tỉnh đứng đầu cả nước về số SV ra trường thất nghiệp.

Thanh Hóa vốn là địa phương có truyền thống hiếu học, hàng năm tỉnh này có trung bình trên 20.000 em đậu vào các trường ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN).

Trên địa bàn tỉnh hiện có tới 16 trường ĐH, CĐ, TCCN hệ chính quy và tư thục. Hàng năm số SV tốt nghiệp ở những trường này không hề nhỏ. Tuy nhiên, các trường vẫn ồ ạt tuyển sinh, chỉ tiêu năm sau cao hơn năm trước.

Trong báo cáo gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 20/2/2013, toàn tỉnh Thanh Hóa có 24.956 SV đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm. Trong đó trình độ trên ĐH có 45 học viên, ĐH có 5674 SV, CĐ có 6.845 SV, TCCN có 6.003 SV, còn lại là CĐ nghề và trung cấp nghề.

Các ngành có số SV thất nghiệp nhiều nhất là sư phạm với 3.762 SV, tiếp đó là công nghệ thông tin (3.650 SV), kinh tế, quản trị kinh doanh, nông – lâm- ngư nghiệp… Điều đáng lo ngại hơn là trong khi số SV thất nghiệp trên chưa biết hoặc không biết xin việc làm ở đâu thì tính đến tháng 6/2012, Thanh Hóa có tới 44.023 SV đang theo học tại các trường ĐH, CĐ và TCCN trong cả nước, trong đó ĐH chính quy 19.205; liên thông 4020; ĐH, CĐ vừa làm, vừa học 6.617; TCCN chính quy 14.050,…

Theo báo cáo của Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa, 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh còn 1.917 học sinh tham gia học cử tuyển, số SV đã tốt nghiệp ra trường tính đến ngày 14/7/2011 là 1259 SV, tuy nhiên chỉ có 534 SV đã có việc làm, số còn lại hiện vẫn còn thất nghiệp.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Văn Long, Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa) cho biết: “Có nhiều nguyên nhân khiến SV ra trường thất nghiệp ngày một nhiều. Thứ nhất, do có quá nhiều trường ĐH, CĐ mọc lên, họ chỉ lo số lượng đầu vào mà quên mất chất lượng đào tạo, cũng như định hướng ra trường cho SV. Thứ 2, việc mở mã ngành, chỉ tiêu tuyển sinh là do trường đề xuất chứ Bộ không quy định điều này, nên các trường tuyển vô tội vạ, càng nhiều càng tốt. Thứ ba, kinh tế hiện nay của chúng ta đang chững lại, doanh nghiệp mới thì ít mà doanh nghiệp phá sản thì nhiều nên nhu cầu lao động không cao. Cuối cùng là có một số ngành nghề đào tạo không còn phù hợp với xã hội nữa”.

Cũng theo ông Long thì điều đáng lo ngại nhất hiện nay là có nhiều học sinh khá, giỏi, xuất sắc không muốn thi vào sư phạm do ngành này đang thừa quá nhiều giáo viên. “Cứ tình trạng này thì đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao sẽ ngày một ít đi, đây là điều đáng lo ngại cho ngành giáo dục – đào tạo”, ông Long nói.

Có thể nói một điều đáng buồn rằng, hiện nay có nhiều trường ĐH, CĐ cũng như TCCN chỉ quan tâm đến đầu vào, chỉ tiêu có đạt hay không đạt chứ chưa quan tâm đến việc SV ra trường sẽ như thế nào? Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng ngàn, hàng vạn SV ra trường không có việc làm mà Thanh Hóa là một ví dụ điển hình.

Nguồn: Kinh tế nông thôn(kinhtenongthon.vn)

Bài viết liên quan

Thêm bình luận